UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ VỐN NSTW 2023, KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN VÀ GIAO VỐN CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI PHÁT TRIỂN KT-XH
Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã “quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất ” và “Giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn ...”.
Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để trình Quốc hội chỉ những nội dung cấp thiết, đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, trên cơ sở xem xét chất lượng chuẩn bị, nếu hồ sơ tài liệu đủ điều kiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng thì đề nghị trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 những nội dung sau đây:
Một là, xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện;
Hai là, xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ba là, xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).
Về hình thức họp, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Dự kiến Quốc hội họp 03 ngày, khai mạc vào thứ Hai, ngày 15/01/2024 và chia thành 02 đợt (Quốc hội nghỉ giữa 02 đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua):
Để Ủy Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc tổ chức và triệu tập Kỳ họp bảo đảm đúng thời gian quy định, đề nghị các cơ quan cần khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị các nội dung của Kỳ họp bất thường để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan sẵn sàng bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn,... để phục vụ tốt cho Kỳ họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ thống nhất với đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội. Nhắc lại ý kiến chỉ đạo thường xuyên của Chủ tịch Quốc hội “nếu hồ sơ, tài liệu đủ điều kiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng thì mới đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 5”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đối với những nội dung dự kiến trình phải hết sức khẩn trương, đúng thời gian, đảm bảo kỹ lưỡng và chất lượng.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhất trí có kỳ họp bất thường để thông qua những nội dung cấp thiết trong đó có 02 dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Lưu ý, thời gian còn lại không còn nhiều, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ, tích cực trong công tác rà soát, tiếp thu, chỉnh lý; tập trung nguồn lực cao nhất đảm bảo chất lượng về các nội dung trình Quốc hội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn
Báo cáo về tiến độ chuẩn bị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các Phó Thủ tướng đều rất quyết tâm trong công tác chỉ đạo, chuẩn bị các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường. Theo đó, Thủ tướng đã ký văn bản phân công cho các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng để chuẩn bị tập trung cao độ vào những nội dung dự kiến trình, đặc biệt là 2 dự án luật rất khó là: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây đều là những dự luật có phạm vi và đối tượng điều chỉnh rất rộng, liên quan đến tất cả các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình. Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trực tiếp chỉ đạo các nội dung liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã trực tiếp chỉ đạo các nội dung liên quan đến dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). “Với quyết tâm cao nhất là chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thứ 5, Chính phủ các cơ quan của Chính phủ đang nỗ lực, triển khai rất tích cực trong công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định…”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, 4 nội dung dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua đều rất cấp bách. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất quyết tâm và đang hoàn thành những phần việc cuối cùng để chuyển sang các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Ngoài 4 nội dung đã xác định nêu trên sẽ không bổ sung nội dung khác trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường để bảo đảm chất lượng./.