ĐỔI MỚI GIÁO DỤC PHỔ THÔNG SẼ THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI CỦA CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM

27/02/2024

Trong thời gian qua, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành công với nhiều dấu ấn đậm nét. Nhận định về tình hình phát triển trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, các trường sư phạm có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục và trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông; đồng thời, sự đổi mới của giáo dục phổ thông cũng sẽ thúc đẩy sự đổi mới của các trường sư phạm.

PHẢI CÓ ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH MANG TÍNH TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM VỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Giáo dục đại học thành công với những dấu ấn đậm nét

Năm 2023 vừa qua, giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng đã tiếp tục ghi nhiều dấu ấn tích cực, đặc biệt đối với vấn đề tự chủ đại học. Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định năm 2023 là năm giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành công với những dấu ấn đậm nét.

Theo đó, công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học được đẩy mạnh; tính đến tháng 8/2023, có 261 cơ sở đào tạo hoàn thành đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn trong nước; 194 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước; 9 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài. Nhiều trường đại học Việt Nam tiếp tục duy trì và giữ vị trí tốt trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Lần đầu tiên, ngành giáo dục đưa vào khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), phục vụ cho công tác tuyển sinh thực hiện trực tuyến trên HEMIS. Hệ thống HEMIS đã kết nối thông suốt với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; thực hiện đồng bộ dữ liệu về lao động, việc làm của trên 97.000 sinh viên tốt nghiệp năm 2022 và gần 7.400 sinh viên tốt nghiệp năm 2023. Có lẽ vì vậy, chuyển đổi số được chọn là một trong mười dấu ấn nổi bật nhất năm 2023 của lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Năm 2023 cũng là năm chứng kiến bước tiến lớn trong lộ trình thực hiện tự chủ đại học. Đến nay, cả nước có 170/174 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỉ lệ 97,4%); và điều quan trọng hơn là tinh thần tự chủ đã trở thành nhu cầu tự thân, có hiệu ứng tác động mạnh mẽ tới mỗi cơ sở giáo dục đại học; từ đổi mới trong công tác quản trị, điều hành đến sự năng động, sáng tạo, linh hoạt trong tuyển dụng, quản lý nhân sự và thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đặc biệt, cũng trong năm 2023, dự thảo Chỉ thị đẩy mạnh tự chủ đại học ở Việt Nam đang được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành, nhằm tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để hướng tới tự chủ đại học hiệu quả, thực chất.

Đổi mới giáo dục phổ thông thúc đẩy đổi mới của các trường sư phạm

Năm 2024 là năm tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường đại học, đặc biệt là cơ sở đào tạo giáo viên tập trung đổi mới chương trình, phương pháp để sinh viên ra trường có thể nhập cuộc ngay với phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá ở phổ thông. Đánh giá về vai trò của các cơ sở đào tạo giáo viên đối với nhiệm vụ này trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường sư phạm là một định hướng hết sức quan trọng, cho thấy đổi mới đào tạo giáo viên là một yêu cầu cấp thiết, là điều kiện để thực hiện tốt các yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; cũng là sự khẳng định vai trò quan trọng của các trường đại học, cao đẳng sư phạm đối với các trường phổ thông trong việc đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên.

Để có được đội ngũ giáo viên phổ thông đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn về chất lượng, rất cần đến vai trò tiên phong và sự đồng hành của các trường sư phạm thể hiện qua nhiệm vụ kép: Vừa đào tạo đội ngũ giáo viên có đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu thực tiễn giáo dục; vừa hỗ trợ, bồi dưỡng để phát triển năng lực nghề nghiệp suốt đời cho giáo viên phổ thông, để họ có đủ năng lực và sự tự tin triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.

Kết quả giám sát vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cho thấy, thông qua Chương trình ETEP của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong giai đoạn 2016-2022, các trường sư phạm đã thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ 30.127 giáo viên cốt cán và 3.815 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên; 319.158 giáo viên và 22.860 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hoàn thành chương trình bồi dưỡng đại trà.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, đây là quan hệ tác động qua lại: Các trường sư phạm có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục và trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông; đồng thời, sự đổi mới của giáo dục phổ thông cũng sẽ thúc đẩy sự đổi mới của các trường sư phạm.

Trước mắt, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đang đi vào giai đoạn nước rút với rất nhiều thách thức, trong đó có vấn đề đội ngũ. Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên. Từ nay đến năm học 2024-2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên môn Tin học và 5.780 giáo viên môn Ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các trường sư phạm phát huy vai trò của mình; tức là cần chuyển mình nhanh hơn, tiên phong hơn trong công cuộc đổi mới.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau giám sát cũng xác định trách nhiệm của ngành sư phạm là tổ chức đào tạo đủ nguồn giáo viên dạy các môn học mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán.

Để hiện thực hoá điều này, đại biểu cho rằng, cần rà soát, phân tích hệ thống dữ liệu về đội ngũ nhà giáo phổ thông, đánh giá nhu cầu và khả năng để nắm thế chủ động trong xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cho cả giai đoạn và kế hoạch cụ thể cho từng năm học.

Minh Hùng

Các bài viết khác