HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI): NÂNG CAO HƠN TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

31/03/2024

Thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu quan tâm đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội và cho rằng có chế tài mạnh hơn đối với trường hợp vi phạm và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người sử dụng lao động.

CÂN NHẮC KỸ QUY ĐỊNH VỀ HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN ĐỂ BẢO VỆ TỐT QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5, NHIỆM KỲ KHÓA XV CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, Quốc hội khóa XV

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong thời gian qua của người lao động, đặc biệt là những lực lượng lao động yếu thế, cần có điểm tựa để đảm bảo cuộc sống về lâu về dài của bản thân mình, của gia đình, của người thân và đóng góp bảo đảm an sinh xã hội cho cả đất nước. Đó là điều chúng ta đang hướng đến, đại biểu nhấn mạnh.

Thể hiện sự tán thành cao với dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và báo cáo của Thường trực Ủy ban Xã hội về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đánh giá cao sự tập trung trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia hợp lý của các vị đại biểu Quốc hội, của các cơ quan, tổ chức liên quan, của các chuyên gia, các nhà khoa học và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Dự thảo sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã có nhiều nội dung hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của dự thảo luật sửa đổi.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên 

Quan tâm đến các Điều 39 và Điều 40 dự thảo Luật về biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Nguyễn Đại Thắng chỉ rõ, dự thảo Luật lần này đã được Ban soạn thảo tiếp thu và đã bỏ những nội dung sử dụng chế tài ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Theo đại biểu, việc sửa đổi như vậy là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đặt ra.

Tuy nhiên, để tăng thêm chế tài đối với trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và nâng cao hơn trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất bổ sung thêm một chế tài không được đấu thầu thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị từ nguồn vốn của Nhà nước, không được tổ chức tín dụng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và không được hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ đào tạo học nghề cho người lao động. Đại biểu lý giải, điều này để tăng tính răn đe đối với trường hợp người sử dụng lao động cố tình trốn tránh đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, trừ những lý do khách quan.

Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng cần đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được quy định tại Điều 34. Đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 34 dự thảo Luật thêm một khoản về nội dung cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, căn cứ thông tin tình hình đăng ký đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến phải thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ đơn vị mình nhằm quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng và cũng sẽ tạo được cơ chế kiểm soát hoàn chỉnh của các loại hình bảo hiểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế 

Về các biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Điều 39 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị, bổ sung khoản 5 vào Điều 39 quy định về việc không xét tham dự đấu thầu các công trình, dự án do ngân sách nhà nước làm chủ đầu tư đối với các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài, để các đơn vị sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật do nhà nước quy định; đồng thời, bổ sung sau khoản 2 Điều 39 về xử lý hành chính, theo hướng: truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Lý lẽ, theo đại biểu, Điều 216 Bộ luật Hình sự đã quy định tội danh chậm đóng bảo hiểm xã hội nhưng trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay chưa có quy định về việc xử lý hình sự đối với tội danh chậm đóng bảo hiểm xã hội của chủ sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm ở khoản 2 Điều 8. Theo đó,  bổ sung quy định nghiêm cấm cả với tiền đóng, không chỉ tiền hưởng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm chiếm dụng đối với cả loại hình bảo hiểm thất nghiệp, không chỉ đối với loại hình bảo hiểm xã hội. Thực tế, tại các đơn vị sử dụng lao động vẫn trích, trừ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương cho họ, trong khi lại chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Điều này diễn ra khá phổ biến. Một trong những lý do đình công hay kiến nghị của người lao động cũng từ những việc không đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong đó có việc không đảm bảo quyền lợi cho việc đóng các loại hình bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho biết thêm./.

Bảo Yến