HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN CÔNG CHỨNG VIÊN: ĐẢM BẢO CHẶT CHẼ, PHÙ HỢP VỚI ĐẶC ĐIỂM VÀ YÊU CẦU NGÀY CÀNG CAO CỦA HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

31/03/2024

Theo Chương trình Phiên họp Chuyên đề pháp luật, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào chiều mai (01/4). Quan tâm góp ý dự luật dưới góc độ nghiên cứu, TS. Lại Thị Bích Ngà, Phó Trưởng Khoa đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác, Học viện Tư pháp kiến nghị, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn công chứng viên bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động công chứng.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG

SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG: QUY ĐỊNH TẠI DỰ THẢO CẦN BẢO ĐẢM THỐNG NHẤT VỚI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Sửa đổi Luật Công chứng - tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng

Sau gần 10 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng đã có nhiều bước tiến mới, cụ thể: Đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta ngày càng phát triển; Chất lượng đội ngũ công chứng viên ngày càng được nâng cao, quy mô, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân, doanh nghiệp;…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục như: Thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung; Chất lượng đội ngũ Công chứng viên còn chưa đồng đều; một số trình tự, thủ tục về công chứng không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa gây khó khăn cho công chứng viên trong quá trình thực hiện vừa không tạo thuận lợi cho tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp;…

Vì vậy, để khắc phục những bất cập, hạn chế nều trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, dự kiến dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 (5/2024) tới đây.

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) được xin ý kiến hiện nay gồm 10 chương, 79 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Trong đó, Chương II về Công chứng viên gồm 09 điều (từ Điều 8 đến Điều 16) quy định về: Điều kiện, tiêu chuẩn Công chứng viên; Đào tạo nghề công chứng; Tập sự hành nghề công chứng; Bổ nhiệm Công chứng viên; Những trường hợp không được bổ nhiệm Công chứng viên; Tạm đình chỉ hành nghề công chứng; Miễn nhiệm Công chứng viên; Bổ nhiệm lại Công chứng viên; Quyền và nghĩa vụ của Công chứng viên.

So với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có nhiều điểm mới như: Quy định những đối tượng được miễn đào tạo nghề và tham gia bồi dưỡng nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng hiện hành sẽ tham gia đào tạo nghề nhưng được giảm thời gian đào tạo nghề công chứng; Quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng thống nhất là 12 tháng; Bổ sung quy định trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận mà người đạt yêu cầu kiểm tra không đề nghị bổ nhiệm công chứng viên thì giấy chứng nhận hết hiệu lực; Bổ sung thêm một số trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên;…

TS. Lại Thị Bích Ngà, Phó Trưởng Khoa đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác, Học viện Tư pháp

Quan tâm tới quy định tại Dự thảo luật, dưới góc độ nghiên cứu TS. Lại Thị Bích Ngà kiến nghị một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện liên quan đến tiêu chuẩn bổ nhiêm công chứng viên; tạm đình chỉ hành nghề và miễn nhiệm công chứng viên. Cụ thể:

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên: Theo quy định tại Điều 8 của Dự thảo thì ngoài điều kiện là Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt thì người muốn được bổ nhiệm công chứng viên phải đáp ứng 05 tiêu chuẩn. So sánh, quy định này với quy định tại Điều 8 của Luật Công chứng năm 2014 đã có một số điểm sửa đổi sau:

Thứ nhất, về tiêu chuẩn trình độ, bên cạnh việc Dự thảo giữ nguyên trình độ được bổ nhiệm công chứng viên là cử nhân luật thì Dự thảo đã được bổ sung thêm tiêu chuẩn “thạc sỹ luật hoặc tiến sĩ luật”. Nội dung sửa đổi này phù hợp với quy định về đạo tạo thạc sỹ và tiến sĩ của Việt Nam. Tuy nhiên, việc quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm Công chứng viên là từ cử nhân luật trở lên là còn chưa hợp lý. Bởi vì:

Hiện nay, với sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo nước ta hoạt động đào tạo cử nhân nói chung và cử nhân luật nói riêng đã giúp cho trình độ pháp luật của công dân được nâng cao rất nhiều. Mặt bằng chung của những người hành nghề luật ở nước ta hiện nay sẽ là cử nhân luật. Tiêu chuẩn nhiều chức danh bổ trợ tư pháp lấy tiêu chuẩn cử nhân luật để đưa vào tiêu chuẩn bổ nhiệm, như luật sự, đấu giá viên, thừa phát lại…, với chức năng xã hội - nghề nghiệp là đảm bảo sự an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch; phòng ngừa tranh chấp, góp phẩn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi Công chứng viên cần phải là người có trình độ pháp luật cao hơn mặt bằng chung của những người hành nghề luật. Do vậy, việc Dự thảo tiếp tục quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm Công chứng viên là cử nhân luật là thấp hơn so với yêu cầu nghề nghiệp của Công chứng viên.

Ngoài ra, đối chiếu với quy định của một số quốc gia thì pháp luật của một số nước Cộng hoà Pháp, Cộng hoà Séc thì được biết: Luật Công chứng của nước Cộng hoà Pháp quy định với những người chưa có kinh nghiệm về công chứng thì trình độ phải là thạc sỹ, và với những người đã có kinh nghiệm về công chứng thì trình độ là năm thứ nhất của cấp học thạc sỹ. Luật Công chứng của nước Công hoà Séc ghi nhận tiêu chuẩn thứ hai trong tiêu chuẩn bổ nhiệm Công chứng viên là thạc sỹ luật …

Do vậy, TS. Lại Thị Bích Ngà cho rằng với tiêu chuẩn về trình độ cần quy định: “có bằng thạc sỹ luật hoặc tiến sĩ luật”.

Thứ hai, về tiêu chuẩn kinh nghiệm pháp luật, Dự thảo giảm thời gian công tác pháp luật từ 5 năm của quy định hiện hành xuống còn 3 năm. Với quy định này không hợp lý, bởi vì: So sánh quy định này với Luật Công chứng hiện hành thì thời gian kinh nghiệm pháp luật đã rút xuống còn 3 năm. Việc rút thời gian công tác pháp luật xuống là đã nới rộng tiêu chuẩn Bổ nhiệm Công chứng viên. Điều này là đi ngược với quy định về nội dung mục tiêu, định hướng phát triển nghề công chứng được đề cập tới tại Nghị quyết số 172/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/11/2020 về chính sách phát triển nghề công chứng đã xác định rõ định hướng: “Phát triển đội ngũ công chứng viên có chất lượng, số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội, gắn việc bảo đảm quyền hành nghề của công chứng viên với việc chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng”. Đồng thời, quy định này không thống nhất với quan điểm sửa luật được ghi nhận tại Mục 2 của Tờ trình Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) số 76/TTr-CP của Chính phủ trình Quốc hội ngày 01/3/2024. Do vậy, kiến nghị về thời gian công tác pháp luật cần được quy định: “Có thời gian công tác pháp luật từ đủ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật, thạc sỹ luật hoặc tiến sỹ luật”.

Bên cạnh đó, công chứng là một nghề, nên không hẳn những người có kinh nghiệm công tác pháp luật ở những ngành nghề khác đã có kinh nghiệm nghề nghiệp về công chứng. Thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp, có kinh nghiệm nghề nghiệp công chứng như: Thư ký nghiệp vụ của các tổ chức hành nghề công chứng nhưng lại không đủ điều kiện được bổ nhiệm Công chứng viên nếu thời gian làm thư ký nghiệp vụ chưa được 5 năm. Như vậy, tiêu chuẩn về kinh nghiệm nghề nghiệp công chứng chưa được Luật Công chứng hiện hành và Dự thảo đề cao và ghi nhận.

Từ thực trạng này, kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm tiêu chuẩn về kinh nghiệm nghề công chứng vào trong tiêu chuẩn bổ nhiệm Công chứng viên. Cụ thể, nên bổ sung tiêu chuẩn này như sau: “Có thời gian làm việc từ đủ 3 năm trở lên tại tổ chức hành nghề công chứng với vị trí là nhân viên nghiệp vụ”.

Thứ ba, về tiêu chuẩn độ tuổi, Dự thảo đã bổ sung quy định về độ tuổi bổ nhiệm. Việc dự thảo đưa ra quy định về độ tuổi tối đa là một trong những tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên là một tiêu chuẩn phù hợp về mặt khoa học và thực tiễn hành nghề công chứng nói riêng và thực tiễn hành nghề luật nói chung. Tuy nhiên, việc ghi nhận điều kiện về độ tuổi trong Dự thảo hiện nay vẫn còn điểm chưa hợp lý. Vì vậy, Dự thảo cần quy định cụ thể về việc công chứng viên chỉ được hành nghề công chứng đến đủ 70 tuổi, còn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên cần đảm bảo sau khi được bổ nhiệm, thời gian hành nghề còn lại của công chứng viên phải còn ít nhất 01 năm. Việc quy định về độ tuổi bổ nhiệm của Dự thảo có thể dẫn đến tình trạng công chứng viên sau khi được bổ nhiệm là hết thời gian hành nghề.

Liên quan đến quy định về tạm đình chỉ hành nghề công chứng, miễn nhiệm công chứng viên: Tại Dự thảo luật, tạm đình chỉ hành nghề công chứng được quy định tại Điều 13 và quy định về miễn nhiệm công chứng viên được quy định tại Điều 14. Theo tinh thần được ghi nhận tại 02 Điều này thì thời gian tạm đình chỉ hành nghề công chứng là từ 01 tháng đến 12 tháng; nếu hết thời hạn tạm đình chỉ mà lý do tạm đình chỉ vẫn còn thì công chứng viên sẽ bị rơi vào trường hợp miễn nhiệm công chứng viên.

Theo TS. Lại Thị Bích Ngà, hai quy định này là không phù hợp đối với trường hợp công chứng viên bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng với lý do bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người bị truy cứu trách nhiệm hính sự, sau 12 tháng chưa bị đưa ra xét xử là trường hợp vẫn diễn ra trên thực tế. Như vậy, với trường hợp này, khi chưa bị kết tội bằng một bản án có hiệu lực mà công chứng viên đã bị miễn nhiệm công chứng viên là không hợp lý. Nhưng nếu hết hạn tạm đình chỉ 12 tháng mà công chứng viên không bị miễn nhiệm thì có nghĩa là công chứng viên được tiếp tục hành nghề, điều này cũng là không hợp lý.

Do vậy, TS. Lại Thị Bích Ngà kiến nghị, bỏ quy định miễn nhiệm đối với trường hợp: “Hết thời hạn tạm đình chỉ hành nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này mà lý do tạm đình chỉ vẫn còn”. Đồng thời, sửa quy định về thời hạn tạm đình chỉ thành: “Thời gian tạm đình chỉ hành nghề công chứng từ 01 tháng đến 12. Đối với trường hợp hạn tạm đình chỉ do bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì thời gian tạm đình chỉ là từ khi Quyết định tạm đình chỉ có hiệu lực cho đến khi có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, bản án đã có hiệu lực của Tòa án tuyên không có tội”./.

Lê Anh