NHIỀU KỲ VỌNG VÀO QUY ĐỊNH CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT TRONG DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

31/03/2024

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia. Quy định này nhận được nhiều kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển. Tuy nhiên, thận trọng để kiểm soát được cơ chế thử nghiệm này là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội được cộng đồng khởi nghiệp và chuyên gia đồng tình.

HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5, NHIỆM KỲ KHÓA XV CHO Ý KIẾN VỀ LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN TRONG GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

Theo dự thảo Luật, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được cho phép thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cấp phép có thời hạn.

Việc đưa mô hình thử nghiệm có kiểm soát vào Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này khiến các doanh nghiệp công nghệ kỳ vọng sẽ có khuôn khổ pháp lý để dấn thân đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ của tương lai.

Theo Giám đốc điều hành, thành viên sáng lập 1Office Lê Việt Thắng – đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm quản trị doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, Thủ đô cần phải tiên phong cho công nghệ góp phần vào sự phát triển. Nêu như không có cơ chế thí điểm thì sẽ khó có cơ hội cho công nghệ mới, ý tưởng sáng tạo đi vào thực tiễn. Do đó, khi Hà Nội đi tiên phong trong lĩnh vực này sẽ thế mạnh, lợi thế của Hà Nội trong việc cạnh tranh, thu hút nguồn vốn FDI, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp cũng rất hào hứng trước quy định mới của Luật Thủ đô (sửa đổi) để có thể dám dấn thân vào những ứng dụng mới, ý tưởng mới. Quy định này sẽ là khởi đầu cho nhiều nội dung khác, thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ để Hà Nội có thể trở thành “tổ ấp” cho những “kỳ lân công nghệ” trong thời gian tới.

 Giám đốc điều hành, thành viên sáng lập 1Office Lê Việt Thắng

Dành nhiều kỳ vọng đối với quy định này, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng quy định này sẽ đưa Hà Nội trở thành “miền đất hứa” cho các công ty công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát không chỉ tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp mà cả những người làm luật, nhà quản lý cùng soi rọi, theo dõi, đánh giá để sau này có cơ sở thực tiễn để luật hóa các quy định phù hợp.

Phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải đặt vấn đề, theo số liệu tham khảo, hiện trên thế giới có 73 nước có quy định về thử nghiệm có kiểm soát, tập trung công nghiệp, công nghệ số vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội. Vậy các nước quy định như thế nào? Ưu/ nhược điểm quy định của mỗi nước ra sao? Chúng ta đã có nghiên cứu tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm gì khi vận dụng xây dựng quy định này trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hay chưa? Các quy định như vậy giới hạn áp dụng cho một địa phương hay trong một lĩnh vực cụ thể?

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Điều 25 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về định nghĩa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; quy định về phạm vi thử nghiệm, quyền hạn quyết định, giới hạn không gian, thời gian, đối tượng... thủ tục có tính chất bao quát như luật chuyên ngành. Quy định như vậy chỉ áp dụng cho Thủ đô hay có thể trở thành “mẫu” cho luật chuyên ngành về sau vì định nghĩa chung, thủ tục chung … không phản ánh đặc thù hay ưu tiên quyền hạn cho Thủ đô. Như vậy quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dễ xung đột pháp luật chuyên ngành, quy định trước luật chuyên ngành khi chưa có nghiên cứu đầy đủ vì thực tiễn nước ta chưa làm; trong khi chưa có nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề này và chưa có những giải trình rõ ràng, đại biểu Trần Văn Khải chỉ rõ.

Hiện nay, Chính phủ cũng mới dự thảo Nghị định áp dụng cho lĩnh vực tài chính ngân hàng và chỉ quy định khái niệm về cơ chế, phạm vi, đối tượng... trong lĩnh vực này. Dự thảo này cũng mới đang lấy ý kiến, chưa có định nghĩa về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Như vậy dễ có xung đột khi Chính phủ xây dựng Nghị định thực hiện trong lĩnh vực cụ thể lại vướng khái niệm chung quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi), không bảo đảm tính thống nhất trong kỹ thuật lập pháp.

Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải

Theo quy định tại Điều 25 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) thì “Thử nghiệm có kiểm soát có thể bị giới hạn về không gian địa lý triển khai thực hiện; về quy mô thử nghiệm; về đối tượng được tham gia sử dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, tham gia mô hình kinh doanh được thử nghiệm; về số lượng người dùng hoặc các giới hạn cần thiết khác”. Quy định này cũng không rõ giới hạn vì có những lĩnh vực áp dụng liên quan tới quyền, lợi ích của công dân hay quyền con người, quyền bí mật đời tư... thuộc phạm vi Hiến pháp quy định thì sẽ xử lý như thế nào? Có chỗ còn mập mờ, dễ xung đột pháp luật trong những trường hợp cụ thể.

Quy định tại điểm 5, Điều 25: “Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm”. Đây là quy định vượt thẩm quyền, nhất là đối với quy định của luật. Do đó, cần có các điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể mới được thực hiện, tránh áp dụng tùy tiện hoặc tạo ra cách hiểu, cách áp dụng pháp luật thiếu thống nhất mà nhiều lĩnh vực chỉ do Quốc hội quyết định bằng một đạo luật, chẳng hạn lĩnh vực thuế.

Với những điểm còn bất cập, chưa rõ nêu trên, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị chỉnh lý quy định tại Điều 25 cho phù hợp với yêu cầu và thực tế áp dụng ở  nước ta theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù, không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan, dễ sơ hở.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh 

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng là có nhưng phải hạn chế về những lĩnh vực không được thử nghiệm, như vậy sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho cơ chế thử nghiệm này. Theo đó, cấm những lĩnh vực thể có tiềm ẩn nguy cơ xâm hại đến lợi ích công cộng, kiểm soát quá nhiều những lĩnh vực sáng tạo thì sẽ làm hạn chế, làm mất đi cơ hội.

Theo Viện trưởng Viện chiến lược Chuyển đổi số Lê Nguyễn Trường Giang, việc đề xuất đưa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát quy định thành một điều trong dự án Luật Thủ đô là một bước tiến quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô, đặc biệt hướng tới việc khai thác những hiệu quả từ công nghệ số, công nghệ cao và hướng tới giá trị gia tăng mà chúng ta có thể đạt được từ kinh tế số, góp phần đưa kinh tế số trở thành trong những lĩnh vực kinh tế chiếm tỉ trọng cao trong GDP của thành phố Hà Nội. Đây là một bước tiến tốt, mang tính chính danh và đột phá, cho phép tạo ra những tiền đề quan trọng. Tuy nhiên, để điều này có thể đi vào thực tiễn, thực sự đem lại sự phát triển cho Hà Nội cũng cần phải có một số cân nhắc quan trọng.

Viện trưởng Viện chiến lược Chuyển đổi số Lê Nguyễn Trường Giang

Theo dõi Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cho thấy nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải nghiên cứu giới hạn cụ thể những nội dung, lĩnh vực được thử nghiệm có kiểm soát. Viện trưởng Viện chiến lược Chuyển đổi số bày tỏ tán thành với quan điểm của đại biểu Quốc hội, đồng thời làm rõ, mặt khoa học công nghệ thì chúng ta không thể giới hạn được, cho nên vấn đề giới hạn đây là cách thức triển khai, tức tạo ra một công cụ, khuôn khổ cho phép triển khai có kiểm soát, có định hướng và có thể quản lý được một cách hiệu quả.

Trước quan điểm của các đại biểu Quốc hội ủng hộ trao cơ chế mới cho Hà Nội, tuy nhiên đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng để bảo đảm kiểm soát tốt, Viện trưởng Viện chiến lược Chuyển đổi số Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng cho rằng sự thận trọng của các đại biểu Quốc hội là đúng đắn và cần thiết, thể hiện trách nhiệm của người đại biểu. Do đó, Hà Nội cần phải giải trình làm rõ, tháo gỡ những quan ngại của đại biểu Quốc hội, cần sớm có được chiến lược, kế hoạch triển khai quy định của Luật, để các đại biểu có thể nhìn thấy rõ ràng những mục tiêu cụ thể, những vấn đề kiểm soát, đánh giá.

Chia sẻ cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo vui mừng và dành nhiều kỳ vọng đối với quy định rất mới trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Viện trưởng Viện chiến lược Chuyển đổi số cho rằng Hà Nội nên tận dụng và vận dụng cơ hội này để tạo ra khuôn khổ chắc chắn cho đổi mới sáng tạo có cơ hội bén rễ. Hà Nội có điểm xuất phát, nền tảng rất tốt như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu của Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều trung tâm đổi mới sáng tạo được đặt trụ sở tại Hà Nội, nếu làm việc điều này thì Hà Nội sẽ có sự đột phá rất lớn./.

Bảo Yến - Thùy Linh