Hội đồng Dân tộc thẩm tra dự án Luật Nhà giáo

07/10/2024

Tiếp tục Chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 10, sáng 7/10, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc tham gia thẩm tra, cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo dự kiến được trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tới. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đồng chủ trì Phiên họp.

Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc lần thứ 10

Hội đồng Dân tộc thảo luận dự thảo Báo cáo giám sát chuyên đề về chính sách, pháp luật về công tác cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2023

Toàn cảnh Phiên họp

Cùng dự có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Ủy viên Thường trực và Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc và các thành viên của Hội đồng Dân tộc; đại diện Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Xã hội; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc. Về phía các bộ ngành có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Bộ Nội vụ…

Quan tâm đến chính sách đối với nhà giáo người dân tộc thiểu số

Dự thảo Luật Nhà giáo có bố cục gồm 9 chương, 45 điều. Dự án Luật Nhà giáo cụ thể hóa 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 07/7/2023 của Chính phủ, bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Thay mặt Cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đây là luật chuyên ngành khó, nhiều nội dung mới, tác động rộng và có ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, nội dung của dự thảo Luật Nhà giáo dễ mâu thuẫn, trùng lắp với nhiều luật đã ban hành như Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động và nhiều văn bản khác liên quan đến nhà giáo. Vì vậy, trong quá trình xây dựng Luật từ nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến rộng rãi để xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng

“Ngày 25/9 vừa qua, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được trình tại Phiên họp của UBTVQH. Dự án Luật lúc đầu có bố cục gồm 9 chương, 71 điều với quan điểm xây dựng Luật là cố gắng khi ban hành Luật, nhiều điều khoản có thể đi vào cuộc sống và thực hiện được ngay. Sau khi xin ý kiến của UBTVQH, những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì mới đưa vào luật, còn nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ ngành thì quy định tại các văn bản dưới luật”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thường cho biết sẽ tiếp tục rà soát, tiếp thu tối đa các ý kiến và điều chỉnh dự thảo Luật hiện còn 45 Điều để trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 38. Mục đích xây dựng Luật Nhà giáo là nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo môi trường làm việc, thu hút được nhân tài, người tâm huyết làm trong ngành sư phạm, giáo dục và giữ chân được nhà giáo, đặc biệt Ban soạn thảo quan tâm đến chính sách đối với nhà giáo ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đáng chú ý, lần đầu tiên nhà giáo ngoài công lập được đưa vào dự án Luật này, qua đó tạo ra sự bình đẳng và thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Cũng tại Phiên họp, đại diện Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã báo cáo nội dung cơ bản của dự án Luật.

Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục đào tạo

Qua thảo luận, đa số các đại biểu cơ bản đồng tình và khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, Đảng ta luôn khẳng định tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với nâng cao chất lượng giáo dục - yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Qua đó tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy, học, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.

Thống nhất với nhiều nội dung của Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra, tuy nhiên các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, xây dựng hồ sơ dự án Luật bảo đảm tính thống nhất với các luật như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Công đoàn, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động… Đồng thời, dự kiến các phương án sửa đổi các luật nêu trên (trong trường hợp dự án có nội dung còn chưa thống nhất, đồng bộ). Ngoài ra, cần bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.

"Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ khái niệm “nhà giáo” trong dự thảo Luật, hiện dự thảo chưa kế thừa được khái niệm “nhà giáo” của Luật Giáo dục năm 2019. Một số ý kiến cho rằng, địa vị pháp lý của Nhà giáo chưa đặt đúng vị trí là trung tâm của hoạt động giáo dục; lẫn lộn giữa nhà giáo với các chủ thể khác: Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Nhà giáo - Công chức - Viên chức - Người lao động. Vai trò của nhà giáo thể hiện trong dự thảo Luật chưa nêu được giá trị, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo.”

Tạo tính đột phá trong chính sách tiền lương và đãi ngộ đối với nhà giáo

Thay mặt Cơ quan chủ trì thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ phát biểu tại Phiên họp

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu tham gia góp ý tại Phiên họp là vấn đề chính sách tiền lương và đãi ngộ đối với nhà giáo. Các ý kiến cho rằng, chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ cần được thể hiện rõ trong chính sách của Nhà nước với đội ngũ nhà giáo để họ yên tâm gắn bó với nghề. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo quan tâm hơn nữa đến các chính sách về tạo nguồn, cử tuyển, ưu tiên, đãi ngộ để phát triển đội ngũ nhà giáo là người DTTS. Vì đây là vấn đề quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực ở các vùng cao, vùng sâu, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là đối với đồng bào người dân tộc thiểu số.

Để cải cách toàn bộ hệ thống giáo dục quốc gia theo tinh thần các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và đa phương hóa các hoạt động giáo dục, có ý kiến cho rằng, nên chăng có chương hoặc mục về xã hội hóa các hoạt động giáo dục, trong đó có việc đa dạng hóa đội ngũ Nhà giáo (trong nước và nước ngoài), thu hút các tài năng trong lĩnh vực giáo dục của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Với tinh thần tôn sư trọng đạo, nghề nhà giáo là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý, dự thảo Luật đã dành riêng một điều quy định về đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần quan tâm hơn từ khâu đào tạo. Hiện nay trách nhiệm của các cơ quan liên quan đạo đức nhà giáo được thể hiện ở Điều 10 của dự thảo Luật. Một số ý kiến cho rằng, ngoài rèn luyện ở nhà trường, trong suốt quá trình phục vụ công tác giảng dạy, nhà giáo cần tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện ý thức trách nhiệm, đạo đức nhà giáo.

Về tính khả thi của Luật, hiện nay dự thảo Luật Nhà giáo có 25/45 Điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết, các ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát lại, và cho rằng, nội dung giao phải đủ rõ thì mới có cơ sở ban hành trong Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện. Còn nếu nội dung mang tính định tính thì sẽ khó áp dụng trong thực tế.

Ngoài ra, các ý kiến cũng tham gia góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; về cơ chế tuyển dụng, quản lý nhà giáo; về quản lý nhà giáo…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu kết luận

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, nhìn chung, các ý kiến đánh giá cao Cơ quan soạn thảo đã khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của UBTVQH và Cơ quan thẩm tra, đề nghị tiếp tục hoàn thiện để kịp thời trình tại Phiên họp thứ 38 của UBTVQH, trước khi dự án Luật Nhà giáo được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Các ý kiến phát biểu tâm huyết với mong muốn góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng trong sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là về các chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Các ý kiến cũng góp ý nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn khi thực hiện các chế độ, chính sách đối với nhà giáo để Luật Nhà giáo đảm bảo tính khả thi.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, các ý kiến mong muốn các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo cần tạo được tính đột phá như về chính sách đãi ngộ, chính sách tiền lương, về tôn vinh nhà giáo và các chính sách đặc thù khác để phát triển đội ngũ nhà giáo trong giai đoạn mới

Về xây dựng dự án Luật Nhà giáo, các ý kiến mong muốn các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo cần tạo được tính đột phá như về chính sách đãi ngộ, chính sách tiền lương, về tôn vinh nhà giáo và các chính sách đặc thù khác để phát triển đội ngũ nhà giáo trong giai đoạn mới. Các đại biểu cơ bản đồng tình với 5 nhóm chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, riêng với tính đặc thù đối với đồng bào DTTS, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo quan tâm thêm chính sách ưu đãi đối với nhà giáo đang phục vụ trong vùng đồng bào DTTS, rà soát lại để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tế hiện nay.

Liên quan đến phát triển đội ngũ nhà giáo người DTTS, các ý kiến đề nghị cần quy định rõ, đặc biệt đối với xây dựng đội ngũ giáo viên đang phục vụ giảng dạy tiếng nói, chữ viết trong vùng đồng bào DTTS. Đồng thời cần quan tâm đến chính sách đặc thù trong đào tạo, tuyển dụng để phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là chính sách cử tuyển liên quan đến lĩnh vực này.

Trên cơ sở góp ý của các ĐBQH và ý kiến các chuyên gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị Vụ Dân tộc khẩn trương hoàn thiện Báo cáo phối hợp thẩm tra với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về dự án Luật này, đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Hội đồng Dân tộc và ý kiến của các chuyên gia tại Phiên họp này.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry chủ trì Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Phiên họp

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đại diện Thường trực Cơ quan soạn thảo báo cáo quá trình xây dựng Luật và tiếp thu ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về Luật Nhà giáo

TS. Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đồng chủ trì Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương tham gia đóng góp ý kiến

Các đại biểu dự Phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà tham gia đóng góp ý kiến

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch

Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Sơn La

Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Nàng Xô Vi - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, các ý kiến đánh giá cao Cơ quan soạn thảo đã khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của UBTVQH và Cơ quan thẩm tra, đề nghị tiếp tục hoàn thiện để kịp thời trình tại Phiên họp thứ 38 của UBTVQH, trước khi dự án Luật Nhà giáo được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tới./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác