CẦN CÓ QUY ĐỊNH RÕ RÀNG, CHẶT CHẼ HƠN VỀ VIỆC CUNG CẤP TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ CHO TOÀ ÁN

26/04/2022

Nhằm góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về tố tụng hành chính và pháp luật liên quan đến các vụ án hành chính, đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng cần có quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Toà án của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban nhân dân.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2021 với Đoàn Giám sát của Uỷ ban Tư pháp, đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội có nhiều dự án Quốc gia, địa phương liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nên số lượng thụ lý và giải quyết vụ án hành chính có người bị kiện là Chủ tịch và Uỷ ban nhân dân ngày càng gia tăng. Nhiều dự án khi tổ chức triển khai thực hiện đã bị khởi kiện tập thể. Mặc dù Toà án đã xây dựng kế hoạch đưa vụ án ra xét xử theo quy định nhưng do tính chất phức tạp của các vụ án cùng số lượng vụ án nhiều, sự tham gia tố tụng trực tiếp của người bị kiện còn hạn chế và nhiều vụ án chưa được người bị kiện cung cấp đầy đủ tài liệu dẫn đến số lượng các vụ án còn tồn đọng nhiều.

Theo đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, việc áp dụng quy định của pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết, xét xử, ra quyết định bắt buộc thi hành án đối với các vụ án hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, người bị kiện chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh tính đúng đắn và có căn cứ về thời hạn, thời hiệu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính bị kiện; tính hợp pháp của hành vi hành chính bị kiện. Từ những vấn đề trên dẫn đến việc Thẩm phán phải kéo dài thời gian giải quyết, xét xử do không đủ tài liệu, chứng cứ. Bên cạnh đó cũng có trường hợp vụ án quá hạn vẫn chưa đủ tài liệu, chứng cứ nhưng vẫn phải đưa ra xét xử thì phiên hoà phải hoãn hoặc tạm ngừng phiên toà để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ.

Đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cũng cho biết, khoản 9 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính quy định quyền, nghĩa vụ của đương sự là nộp bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ cho Toà án để Toà án gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện của đương sự khác. Tuy nhiên, người khởi kiện không biết quy định này hoặc trong quá trình giải quyết vụ án mới được biết. Do đó, khi Toà án gửi Thông báo thụ lý vụ án cho người bị kiện không có bản sao đơn khởi kiện để gửi dẫn đến việc người bị kiện không có thông tin để làm bản khai trình bày quan điểm đối với lý do của việc khởi kiện.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính quy định “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được uỷ quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được uỷ quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, trong một số vụ án hành chính, người bị kiện, người đại diện theo uỷ quyền của người bị kiện có đơn đề nghị vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, tại điểm b khoản 1 Điều 135 Luật Tố tụng hành chính quy định một trong các trường hợp vụ án hành chính không tiến hành đối thoại là “đương sự không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng”, Điều 157 Luật Tố tụng hành chính quy định sự có mặt của đương sự tại phiên toà là “đương sự hoặc người đại diện của họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Có thể thấy, khoản 3 Điều 60 quy định người đại diện theo uỷ quyền của người bị kiện phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án nhưng điểm b khoản 1 Điều 135 và Điều 157 lại quy định cho người bị kiện hoặc người được uỷ quyền có quyền làm đơn đề nghị vắng mặt tại phiên họp đối thoại và phiên toà. Mặt khác, quy định tại khoản 3 Điều 60 đã “bó hẹp” phạm vi và chủ thể được uỷ quyền được tham gia tố tụng nên dẫn đến trường hợp người bị kiện không tham gia làm việc, đối thoại, không tham gia phiên toà sơ thẩm, phải tiến hành xét xử vắng mặt.

Đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo tại buổi làm việc

Ngoài ra, việc áp dụng quy định của pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết, xét xử, ra quyết định bắt buộc thi hành án đối với các vụ án hành chính cũng gặp khó khăn về thời hạn tố tụng, khó khăn trong việc triệu tập, cấp thông báo văn bản tố tụng. Theo đó, thời hạn giải quyết vụ án hành chính vẫn còn ngắn (02-4 tháng), trường hợp vụ án phức tạp được gia hạn nhưng không quá 01-02 tháng. Thực tế giải quyết vẫn còn tồn nhiều hồ sơ vụ án. Đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, một trong các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do đương sự không hợp tác nên phải thực hiện niêm yết, thời hạn niêm yết mỗi lần là 15 ngày, trong một vụ án nấu phải niêm yết nhiều lần sẽ dẫn đến vượt quá thời hạn giải quyết.

Cùng với đó, số lượng khiếu kiện hành chính tăng nhanh, trong khi đó việc quy định thẩm quyền giải quyết các vụ án đối với người bị kiện là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh dẫn đến việc thụ lý và giải quyết của Toà án cấp tỉnh bị quá tải, trong khi biên chế của Toà án cấp tỉnh chưa phù hợp với thực tiễn.

Nêu rõ khi giải quyết các vụ án hành chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp là người bị kiện đều có văn bản uỷ quyền cho cấp phó tham gia tố tụng, nhưng cấp phó cũng có văn bản xin được giải quyết vắng mặt. Đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, việc xin xét xử vắng mặt không trái với quy định pháp luật nhưng gây khó khăn cho công tác giải quyết án. Trong khi đó, chủ thể của tranh tụng án hành chính là người khởi kiện và người bị kiện, khi người bị kiện và người đại diện theo uỷ quyền đều vắng mặt và được Toà án chấp nhận dẫn đến phiên toà xét xử công khai bị mất phần tranh tụng. Như vậy, nguyên tắc bản án, quyết định của Toà án phải dựa vào kết quả tranh tụng công khai khi xét xử đã được Hiến pháp và pháp luật quy định không còn ý nghĩa.

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã có những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính và pháp luật liên quan trong các vụ án hành chính. Theo đó, đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị mở rộng phạm vi uỷ quyền của người bị kiện; sửa đổi, bổ sụng quy định chỉ có người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền có đơn đề nghị giải quyết, xét xử vắng mặt, còn người đại diện theo uỷ quyền phải có mặt tham gia trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án.

Đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng cần quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Toà án của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban nhân dân; đồng thời có cơ chế giám sát trách nhiệm cung cấp tài liệu và tham gia tố tụng của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân. Đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cũng cho rằng cần tăng thời hạn giải quyết vụ án hành chính. Cùng với đó kiến nghị sửa đổi về thẩm quyền thụ lý và giải quyết các vụ án hành chính sơ thẩm đối với trường hợp người bị kiện là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo hướng để Toà án nhân dân cấp huyện thụ lý, giải quyết./.

Minh Thành

Các bài viết khác