KẾT LUẬN PHIÊN HỌP THỨ NHẤT CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VÀ MỘT SỐ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 90/2023/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Theo đó, Quốc hội sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề: (1) Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 (Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1)”; (2) Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Năm 2024, Quốc hội giám sát tối cao 2 chuyên đề: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Việc Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát nêu trên nhận được sự đồng tình cao từ phía đại biểu Quốc hội, chuyên gia, cử tri và Nhân dân. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, giám sát tối cao đối với 2 chuyên đề này sẽ đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra được những bài học kinh nghiệm và đề xuất được những giải pháp khả thi, cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để bảo đảm hoàn thành toàn diện các mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS đã đưa ra một số đánh giá về thực trạng việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở; việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội và triển triển khai một số dự án quan trọng. Đồng thời, nêu một số khuyến nghị, mong muốn Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ tập trung xem xét, phân tích, đánh giá để kiến nghị các giải pháp khắc phục những bất cập trong thời gian qua.
Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã quyết định giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Theo ông, hoạt động giám sát cần tập trung vào những vấn đề nào đang là điểm nghẽn, là rào cản trong quá trình thực hiện chính sách này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế: Tôi cho rằng, vấn đề nóng, nhận được sự quan tâm và có cả bức xúc đó là liên quan đến hồ sơ khởi công các dự án nhà ở xã hội, có nhiều dự án nhà ở xã hội chuẩn bị hồ sơ mất từ 5-7 năm mới xin được giấy phép, đã làm nản lòng nhiều nhà đầu tư.
Hơn nữa, các cơ chế, chính sách ưu tiên, trong đó từng địa phương có chính sách ưu tiên khác nhau, nhưng các chính sách này cũng cần nằm trong cái chung, đó là các chính sách ưu tiên để tạo sự chênh lệch về giá, làm giảm chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí đầu tư. Khi đó, nhà đầu tư mới có thể bán nhà ở xã hội với giá rẻ mà vẫn có lãi.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế
Cùng với đó, xem xét mức lợi nhuận phù hợp giữa nhà ở xã hội với các dự án nhà thương mại, từ đó Nhà nước phải có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội với giá hợp lý. Điều này rất cần được kiểm tra giám sát; song song việc giám sát đối tượng thụ hưởng chính sách để đảm bảo công bằng.
Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, tôi cho rằng một trong những vấn hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội cần quan tâm là giá thị trường bất động sản đang quá cao. Giá bình quân của bất động sản tại Việt Nam đang cao gấp 20 lần so với thu nhập bình quân của người lao động trong một năm. Trong khi đó, con số tại các quốc gia phát triển chỉ gấp 6-7 lần.
Tôi lấy ví dụ về sự bất hợp lý trong giá bất động sản: năm 2019 giá bất động sản tăng 30-40%, nhưng trong những năm dịch bệnh COVID-19 (2020, 2021) giá bất động sản vẫn tăng 40-60%. Theo tôi, điều quan trọng là cần quản lý, giám sát dòng vốn vào thị trường chặt chẽ, bền vững, hiệu quả. Đồng thời phải tái cấu trúc thị trường bất động sản và phát triển thị trường nhà ở giá rẻ. Các dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cần được tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở pháp lý, giải phóng mặt bằng, nhanh chóng khởi công và mang đến hiệu quả ngay trong thời gian tới.
Phóng viên: Cũng tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã quyết định giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Theo ông, những vấn đề nào cần được tập trung giám sát?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tôi cho rằng, các gói hỗ trợ cơ bản đang được thực hiện tương đối tốt. Mặc dù vậy, có một số chính sách chưa phù hợp, cần thay đổi hoặc cần xem xét trong thời gian tới.
Ví dụ như chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, dù tiến độ giải ngân đã hết hoặc chưa hết thì cũng đã đến lúc không cần sử dụng đến gói hỗ trợ này, mà có thể chuyển sang hỗ trợ cho vay mua nhà ở, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa… sẽ phù hợp hơn.
Về gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, việc triển khai có nhiều khó khăn và cũng như việc thiết kế chính sách không thực sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp cũng như yêu cầu thực tiễn, vì thế đến ngày 31/12/2023 cũng nên kết thúc gói hỗ trợ này. Tôi cho rằng, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng cần cân nhắc, xem xét hình thức hỗ trợ mới, bởi thực tế cho thấy, với các điều kiện của gói hỗ trợ 40.000 nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp rất khó tiếp cận và nhu cầu thực tế không cao. Những tháng cuối năm 2023, nếu thấy cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp nên thiết kế gói khác cho phù hợp.
Phiên họp thứ nhất, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Đối với các dự án quan trọng quốc gia đang triển khai, tôi cho rằng Đoàn Giám sát của Quốc hội cần giám sát theo trọng tâm, theo tính đặc thù của mỗi dự án. Ví dụ dự án Sân bay Long Thành hiện đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cần, hoạt động giám sát cần xem xét việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thi công từ phía các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương về nguyên nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị; cũng như các ưu tiên, ưu đãi về vật tư, nhân công để thực thi tốt các dự án. Việc kiểm tra, rà soát, đốc thúc các chủ đầu tư cũng như các đơn vị xây dựng hoàn thành đúng kế hoạch đề ra trở thành một trong những vấn đề cần phải chú trọng, từ đó thúc đẩy tiến độ thi công tốt hơn.
Còn đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh cần kiểm tra, giám sát chính quyền các địa phương trong việc giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch, nhanh chóng bàn giao cho các đơn vị thi công để thực hiện theo kế hoạch. Việc giám sát đơn vị thi công chỉ là một trong những yêu cầu, nhưng quan trọng hơn là giám sát chính quyền địa phương trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng… Do vậy, giám sát cần có trọng tâm, trọng điểm đối với từng dự án dựa trên cơ chế chính sách, đặc điểm, đặc thù, từ đó giúp hoạt động giám sát hiệu quả hơn và đem lại lợi ích và đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả giải ngân đầu tư công, cũng như tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và cho các vùng, các địa phương có dự án triển khai.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!