CHI BỘ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHI BỘ

15/01/2021

Để nâng cao vai trò của cấp ủy trong việc đảm bảo chất lượng sinh hoạt chi bộ, tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Chi bộ Các vấn đề xã hội đã đề xuất 6 giải pháp quan trọng.

Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tại Hội nghị, Bí thư Chi bộ Các vấn đề xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong đã đề cập vai trò của cấp ủy trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và kiến nghị giải pháp.


Bí thư Chi bộ Các vấn đề xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong.

Theo Bí thư Chi bộ Các vấn đề xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, Chi bộ Các vấn đề xã hội có 23 đảng viên, gồm 12 Đảng viên nam và 11 Đảng viên nữ. 9 Đảng viên là đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban; 14 đồng chí là cán bộ, công chức của Vụ các vấn đề xã hội. Chi bộ vinh dự có 01 đồng chí là Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng và 01 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội trực tiếp sinh hoạt. Ban Chi ủy gồm 03 đồng chí.

Ý thức được tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ thời gian qua, Ban Chi ủy luôn nỗ lực, không ngừng học hỏi để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với công tác tự phê bình và phê bình. Để công tác tổ chức sinh hoạt Chi bộ được tốt và hiệu quả, Ban Chi ủy Chi bộ các vấn đề xã hội luôn bám sát Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” và Hướng dẫn số 09 năm 2012, Hướng dẫn số 12 năm 2018 của Ban Tổ chức Trung ương, Nghị quyết số 01 của Đảng ủy khối các cơ quan trung ương. Bên cạnh đó, với sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Chi ủy Chi bộ các vấn đề xã hội đã nỗ lực để chuẩn bị tốt và đổi mới nội dung sinh hoạt theo quy định và phù hợp với tình hình, đặc điểm của chi bộ; nâng cao hiệu quả lãnh đạo thực hiện nghị quyết của chi bộ.

Bí thư Chi bộ Các vấn đề xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết: Mỗi đảng viên trong Chi bộ, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và bí thư chi bộ luôn nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ, giữ gìn đoàn kết, thống nhất, tình yêu thương đồng chí, tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong các buổi sinh hoạt và thực hiện tốt nhiệm vụ được chi bộ phân công. Công tác tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII cũng đã trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ.

Trong thời gian qua, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ (bao gồm cả sinh hoạt thường kỳ và sinh hoạt chuyên đề) của Chi bộ đã đi vào nề nếp. Với sự hướng dẫn của Đảng ủy cấp trên, Ban Chi ủy đã xây dựng Chương trình hoạt động hàng năm của Chi bộ, theo đó, hàng tháng sẽ sinh hoạt Chi bộ và thực hiện sinh hoạt chuyên đề vào mỗi quý. Từ năm 2016 đến nay, Chi bộ đã thực hiện được khoảng 20 buổi sinh hoạt chuyên đề, đảm bảo thực hiện 1 quý 1 lần theo quy định, có những năm, Chi bộ thực hiện 6 buổi sinh hoạt chuyên đề, vượt kế hoạch được giao. Các sinh hoạt chuyên đề được tổ chức với các cách thức đa dạng và phong phú về chuyên môn. Các báo cáo viên tại các buổi sinh hoạt này là các đảng viên trong Chi bộ hoặc là các chuyên gia và cán bộ, lãnh đạo có kiến thức chuyên môn sâu đến từ các bộ, ngành.

Đặc biệt, Chi bộ cũng đã tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên đề về nguồn kết hợp với các hoạt động từ thiện, nhân đạo tại các trung tâm bảo trợ xã hội, các xã nghèo, huyện nghèo tại một số tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, Phú Thọ; kết hợp với đơn vị kết nghĩa là Đảng bộ Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức sinh hoạt chuyên đề để góp ý cho dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và tổ chức các đợt khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân tại một số tỉnh, thành phố.

Qua các hoạt động này, mỗi cán bộ, đảng viên được thể hiện năng lực, sở trường, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trong công việc chuyên môn và ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Đây cũng là cơ hội để Ban Chi ủy, Thường trực Ủy ban, lãnh đạo Vụ nghiên cứu, định hướng bồi dưỡng, đạo tạo cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, Ban Chi ủy cũng như toàn bộ Đảng viên tại Chi bộ nhận thức sâu sắc những hạn chế, tồn tại trong việc tổ chức sinh hoạt chi bộ như đảng viên trẻ còn ngại phát biểu ý kiến, các ý kiến chỉ tập trung vào đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, đảng viên lớn tuổi; thời gian sinh hoạt Chi bộ đôi lúc bị thay đổi do phải thực hiện những công việc chuyên môn cấp bách.

Nhìn chung, các buổi sinh hoạt Chi bộ được tổ chức một cách dân chủ, cởi mở, gắn với đẩy mạnh thực hiện việc học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; qua đó, mọi đảng viên trong Chi bộ được nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nghị quyết của Chi bộ và của cấp ủy cấp trên; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo,quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên.


Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Sỹ Thanh khen thưởng đối với các tổ chức Đảng, đảng viên năm 2020.

Để nâng cao vai trò của cấp ủy trong việc đảm bảo chất lượng sinh hoạt chi bộ, Bí thư Chi bộ Các vấn đề xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong chi biết: Chi bộ kiến nghị một số nội dung, giải pháp như sau:

Thứ nhất: Tiếp tục xây dựng Ban Chi ủy là hạt nhân và trung tâm đoàn kết, duy trì hội ý sinh hoạt cấp ủy hiệu quả, thiết thực; tiếp tục thực hiện mô hình cơ cấu cấp ủy của Chi bộ đã và đang phát huy tác dụng tốt trong các nhiệm kỳ vừa qua, theo đó, lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội là Bí thư Chi bộ, lãnh đạo vụ là Phó Bí thư.

Thứ hai: Thực hiện nghiêm nề nếp chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định; tổ chức sinh hoạt Chi bộ với nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, gắn với thực tiễn; duy trì thường xuyên việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ.

Thứ ba: Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đồng chí Đảng viên nghiên cứu, học tập để hiểu đầy đủ, sâu sắc nội dung ý nghĩa của sinh hoạt chi bộ và công tác tự phê bình, phê bình trong Đảng.

Thứ tư: Tiếp tục phát huy tốt vai trò của các Đảng viên trẻ, của công đoàn trong các buổi sinh hoạt Chi bộ.

Thứ năm: Đề nghị Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội dung sinh hoạt định kỳ, chuyên đề của Chi bộ; quan tâm bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác đảng.

Thứ sáu: Đề nghị Đảng ủy cấp trên nghiên cứu xây dựng các cụm Chi bộ để đảng viên và Ban Chi ủy của các Chi bộ được giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác Đảng, trong đó có hoạt động sinh hoạt Chi bộ, tự phê bình và phê bình, qua đó, nâng cao tinh thần đoàn kết trong Đảng bộ cơ quan./.

Bích Lan