Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Hội nghị Ảnh: Đình Nam
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và tố tụng hình sự, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật còn có ý kiến khác nhau đối với 2 trường hợp cụ thể như sau:
Phương án 1, đề nghị quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính đối với trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính, biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính mà không giới hạn trách nhiệm bồi thường chỉ đối với trường hợp áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép và biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác trái pháp luật như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội (khoản 3 Điều 17); bổ sung trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự.
Phương án 2, đề nghị giữ quy định như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Cao Đình Thưởng- Phú Thọ nhất trí với phương án 1. Bởi như vậy thì trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính tại Điều 17 đảm bảo tính khái quát, phù hợp với điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo đại biểu, điều 17 của dự thảo Luật về Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính đã liệt kê 13 trường hợp phải bồi thường. Việc liệt kê là cần thiết, đảm bảo cho việc áp dụng trên thực tế được chính xác. Tuy nhiên hoạt động quản lý hành chính là rất rộng, do đó nếu chỉ liệt kê như dự thảo sẽ không bao quát hết được hết các trường hợp phải bồi thường trong lĩnh vực quản lí hành chính. Do đó, để đảm bảo tính dự báo, bao quát các trường hợp được các luật khác quy định, đại biểu đề nghị bổ sung 1 điều: Các trường hợp được bồi thường khác theo quy định tại các luật liên quan.
Nhất trí với phương án 2, đại biểu Trần Văn Quý- Hưng Yên đề nghị giữ nguyên như Dự thảo luật. Theo đại biểu, phạm vi bồi thường nhà nước đang thực hiện hiện nay đã đảm bảo được hệ thống cơ quan chính quyền, đội ngũ công chức. Nếu mở rộng thêm thì sẽ rất quá tải, kinh phí để bồi thường cũng không đảm bảo. Muốn đảm bảo nguyên tắc bồi thường nhanh chóng, công khai minh bạch thì phải xác định được giá trị pháp lý của quyết định giải quyết của thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường nhà nước. Khi thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường ra quyết định bồi thường thì phải được giải quyết ngay. Khi chi trả kinh phí bồi thường thì cơ quan tài chính phải xác minh, kiểm tra lại. Thời gian xác minh, kiểm tra sẽ ảnh hưởng đến thời hạn chi trả tiền bồi thường.
Góp ý vào điều 17 của dự thảo Luật, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng- Bến Tre đề nghị bổ sung hành vi không thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Ví dụ như việc không có che chắn trước hố ga, dẫn đến việc người bị tụt xuống hố ga tử vong. Trong trường hợp này, lỗi thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không đưa trường hợp này vào, sau này sẽ dẫn đến tranh cãi trong thực tiễn thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Quảng Bình phát biểu tại Hội nghị
Về kinh phí bồi thường, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Luật về cơ quan lập dự toán kinh phí bồi thường là Sở Tài chính (đối với trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường là Ủy ban nhân dân các cấp) và Bộ Tài chính (đối với trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường thuộc khối các cơ quan trung ương hoặc các cơ quan tổ chức theo ngành dọc). Đồng thời, đề nghị chỉnh lý quy định tại Điều 61 về quyết toán kinh phí bồi thường để phù hợp với Luật ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, còn một số ý kiến cho rằng, quy định giao Bộ Tài chính, Sở Tài chính căn cứ thực tế số tiền bồi thường đã cấp phát của năm trước để lập dự toán kinh phí bồi thường cho năm sau là không hợp lý; đề nghị quy định giao cơ quan giải quyết bồi thường lập dự toán kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường như Luật hiện hành.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Quý- Hưng Yên nhất trí với quy định của dự thảo luật. Theo Điều 58, các cơ quan được thụ hưởng từ ngân sách trung ương thì khi giải quyết bồi thường sẽ lấy kinh phí từ ngân sách trung ương. Với địa phương thì sẽ trích kinh phí từ ngân sách địa phương. Trách nhiệm sẽ giao cho Bộ Tài chính và Sở Tài chính địa phương. Theo đại biểu, đối với các địa phương, tập trung một đầu mối là sở tài chính là phù hợp, có thể đưa vào một nguồn dự phòng để khi cơ quan nào có yêu cầu bồi thường và được giải quyết thì sẽ đáp ứng được ngay. Còn với các cơ quan được thụ hưởng thì ngân sách trung ương, các Bộ ngành có trách nhiệm lập dự toán và Bộ tài chính cấp hàng năm. Như vậy sẽ giải quyết được 2 việc, vừa giúp chi trả kịp thời, vừa giúp các bộ ngành trung ương nắm được hệ thống cấp dưới của mình qua việc xảy ra bồi thường để từ đó quản lý cán bộ cũng như có hình thức đào tạo, nâng cao chức năng nhiệm vụ.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Quảng Bình cho rằng, tại Chương 4 về cơ quan giải quyết bồi thường. Trong luật chủ yếu quy định cơ quan giải quyết bồi thường phần lớn là cơ quan nhà nước, còn chi phí bồi thường cá nhân là không có. Như vậy, nếu nhà nước bồi thường hết thì có trường hợp cố ý làm sai vì làm sai cũng không phải bồi thường, đã có nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung ngoài nhà nước thì cơ quan và cá nhân cũng phải có trách nhiệm bồi thường
Trên tinh thần đó, tại điều 58 Nhà nước về kinh phí bồi thường, nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản ngân sách để bồi thường. Trách nhiệm của cá nhân ở đây bị bỏ lỏng. Đại biểu đề nghị sửa thành nhà nước và cá nhân làm sai phải bỏ ra một khoản kinh phí để bồi thường.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhất trí cao với dự thảo luật, cho rằng, dự thảo Luật được tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Phó Chủ tịch Quốc hội giao cho Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Tư pháp cùng các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp này, hoàn thiện lại dự thảo để báo cáo tại phiên họp tháng 4 của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình ra Quốc hội.