Lịch sử Quốc hội Việt Nam - Tập 4

20/11/2015

Trên cơ sở thành quả hoạt động của Quốc hội các khóa, nằm trong bối cảnh công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Quốc hội khóa XII (2007-2011) hoạt động vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng, Quốc hội khóa XII đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về mặt lý luận và thực tiễn. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động. Những kết quả đó thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, nhưng rõ nét nhất là trong công tác xây dựng pháp luật; giám sát chuyên đề, chất vấn, trả lời chất vấn, quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công trình quan trọng quốc gia và hoạt động đối ngoại. Đáng chú ý, các kỳ họp của Quốc hội đã thực sự trở thành sự kiện chính trị lôi cuốn sự tham gia của đông đảo nhân dân và cử tri cả nước. Những phiên thảo luận về các dự án luật, tình hình kinh tế - xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra hết sức sôi nổi với nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội tại các phiên họp toàn thể đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong cử tri và nhân dân cả nước. Hoạt động của Quốc hội đã làm sâu sắc hơn nhận thức về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường sự gắn bó giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo ra một hình ảnh về sự năng động, dân chủ của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cùng với đó, việc thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị 

quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị và xây dựng, triển khai các đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng giúp Quốc hội khóa XII ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Trải qua 19 năm (1992-2011) với bốn khóa hoạt động, Quốc hội Việt Nam luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong chặng đường gần hai thập niên sinh động ấy, Quốc hội không ngừng đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động, tiếp tục kiện toàn và tăng cường các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển ngày càng cao của đất nước. Vai trò của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội ngày càng được phát huy tốt hơn. Việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Sự gắn bó giữa Quốc hội với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

Nhìn chung, với ý thức trách nhiệm cao trước vận mệnh của đất nước, Quốc hội các khóa IX, X, XI và XII đã ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước; quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước... Những đóng góp của Quốc hội trong bốn khóa nói trên đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Xem chi tiết

Nguồn: (Văn phòng Quốc hội)

Tác giả: (Văn phòng Quốc hội)

 
  • Phiên họp thứ 14
  • Phiên họp thứ 13
  • Thư viện ảnh
  • Phiên họp thứ 12
  • Phiên họp thứ 4
  • Phiên họp thứ 3