Cần đánh giá chi tiết công tác thực hiện chính sách pháp luật phát triển khoa học và công nghệ

05/10/2016

Chiều 04/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”.

Theo dòng sự kiện

Kết quả giám sát cần trả lời được những vướng mắc trong thực tiễn

Trình bày báo cáo về kết quả giám sát của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp để phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hành lang pháp lý về KH&CN đã cơ bản được hoàn thiện; được các cấp, các ngành ban hành tương đối đầy đủ; góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát huy sáng tạo và tham gia đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN. Khoa học công nghệ đạt được nhiều thành tựu quan trọng, làm gia tăng hàm lượng công nghệ trong nhiều sản phẩm, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh trên các lĩnh vực kinh tế, bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, có được sự ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, từ các Quỹ trong lĩnh vực KH&CN, đã thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn (13 dự án). Các Chương trình như Đổi mới công nghệ quốc gia, Phát triển sản phẩm quốc gia, phát triển công nghệ cao đạt được một số kết quả nhất định.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại phiên họp                                             Ảnh: Đình Nam

Tuy nhiên, báo cáo của Đoàn giám sát cũng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung KH&CN Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức, chưa thực sự là động lực phát triển đất nước và có nguy cơ tụt hậu so với các nước tiên tiến trên thế giới.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả giám sát của Đoàn giám sát, tán thành với nhiều nội dung của báo cáo và cho rằng báo cáo được chuẩn bị công phu chi tiết, số liệu thông tin phong phú. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, kết quả giám sát một lần nữa cho thấy không thể phủ nhận vai trò của khoa học công nghệ trong suốt thời gian qua và phải khẳng định vai trò của khoa học công nghệ trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế giai đoạn tiếp theo. Nếu không có quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự phát triển của khoa học công nghệ thì đất nước sẽ không thể có được sự phát triển như ngày nay.

Cho rằng phạm vi, nội dung giám sát là rất lớn, thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng báo cáo kết quả giám sát cần làm rõ thêm một số nội dung. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, đánh giá kết quả hoạt động khoa học công nghệ cần phải trả lời và làm rõ được những câu hỏi phát sinh từ thực tiễn như việc làm chủ công nghệ và tiếp thu thành tựu công nghệ thế giới; tại sao khoa học công nghệ trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu là động lực phát triển kinh tế xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế; vì sao trình độ khoa học công nghệ trong nước lại lạc hậu 2-3 thế hệ so với thế giới; vấn đề công nghệ gây ô nhiễm môi trường; các doanh nghiệp trong nước chưa sẵn sàng hay chưa có động lực đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ; tại sao lại thiếu liên kết giữa nghiên cứu khoa học công nghệ với giáo dục đào tạo và sản xuất kinh doanh...

Đoàn giám sát cần đánh giá đúng mức kết quả đạt được, những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân; trách nhiệm Chính phủ, các bộ ngành trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ. Một số ý kiến đề nghị đoàn giám sát cần đánh giá cụ thể hơn về kết quả hoạt động của khoa học, công nghệ đã thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa như thế nào, nhất là trên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ; làm rõ mối quan hệ giữa khoa học cơ bản và khoa học công nghệ, đánh giá hiệu quả ứng dụng các đề tài nghiên cứu trong thực tiễn và đầu tư sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, báo cáo cũng cần nhấn mạnh vào những giải pháp về xây dựng chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện, đưa ra định hướng và lộ trình phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới.

Chưa sử dụng hiệu quả kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ

Về tài chính cho khoa học công nghệ, Báo cáo của Đoàn giám sát nêu khả năng cân đối của NSNN chưa đáp ứng được nhu cầu vốn về phát triển KH&CN. Chỉ tính riêng năm 2014, số kinh phí thiếu hụt so với nhu cầu tập trung vào kinh phí sự nghiệp KH&CN của khối các bộ, ngành trung ương so với đề xuất của Bộ KH&CN là 1.465 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN trung ương cân đối cho các địa phương thiếu và được sử dụng không đúng mục đích. Giai đoạn 2011- 2016 sử dụng đúng mục đích khoảng 63%, khoảng 37% không được sử dụng đúng cho mục đích đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN. Nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN từ NSNN mới chỉ đáp ứng khoảng 50% so với nhu cầu thực tế của các địa phương. Việc huy động các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN chưa thực sự hiệu quả.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Đảng và Nhà nước xác định khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Cùng với giáo dục đào tạo, đây là hai lĩnh vực được xác định tổng chi trong ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, từ ngày được xác định mức chi trong ngân sách, không những chi không hết mà còn chi không đúng đối tượng, không đúng trọng tâm, trọng điểm, kém hiệu quả, lãng phí. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề ở đây không phải do đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật không đúng mà do công tác tác tổ chức thực hiện triển khai nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ chưa tốt, chưa hiệu quả.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, báo cáo giám sát cần làm rõ thêm hiệu quả sử dụng kinh phí trong lĩnh vực khoa học công nghệ bởi thực tế nhiều nơi không có đủ kinh phí thực hiện đề tài, triển khai ứng dụng nhưng có nơi lại sử dụng lãng phí. Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị báo cáo cần chỉ rõ việc sử dụng ngân sách cho khoa học công nghệ hiện nay để thấy được chỗ nào dàn trải, không hiệu quả, chỗ nào chưa đáp ứng yêu cầu. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải vấn đề tài chính cho khoa học công nghệ cần phải được đổi mới, thay đổi phương thức cấp kinh phí theo đề tài không hiệu quả, giá trị xã hội không cao, thống kê đánh giá hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp, thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển khoa học công nghệ.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thống nhất về việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết chuyên đề về một số nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015- 2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, và đề nghị Đoàn giám sát cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và báo cáo giám sát để có thể trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

Bảo Yến