Báo cáo kết quả thưc hiện chương trình khoa học công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2005- 2015, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực quản lý của Bộ đã hình thành hệ thống cơ sở lý luận khoa học phục vụ cho việc xây dựng và ban hành các dự án luật, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các văn bản quy phạm pháp luật góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.
Hoạt động khoa học và công nghệ của ngành đã góp phần trong việc nâng cao chất lượng công tác điều tra, đánh giá hiện trạng và tiềm năng tài nguyên thiên nhiên làm luận cứ cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khai thác khoáng sản, sử dụng tài nguyên nước vào bảo vệ môi trường biển và hải đảo... phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại buổi làm việc nêu rõ giai đoại 2005- 2010, các đơn vị thuộc Bộ đã được giao chủ trì, tổ chức thực hiện 13 đề tài cấp nhà nước và 237 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ. Giai đoạn 2011- 2015, Bộ đã xây dựng và tổ chức thực hiện 2 chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia là chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu”, và chương trình “Nghiên cứu khắc phục hậu quả lâu dàu chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam”, cùng với 7 chương trình trọng điểm cấp Bộ.
Trước ý kiến một số thành viên đoàn giám sát cho rằng báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung vào các kết quả thực hiện các chương trình khoa học công nghệ mà chưa đánh giá được hiệu quả của chương trình, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào công tác quản lý của Bộ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thẳng thắn thừa nhận, việc đánh giá hiệu quả của các chương trình khoa học công nghệ tương đối khó khăn. Bởi, hiện nay chúng ta chưa xây dựng được bộ phương pháp và tiêu chí để đánh giá. Tuy nhiên, trong hoạt động của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chương trình, công trình nghiên cứu khoa học công nghệ đã góp phần nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản, đề xuất biện pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Trong lĩnh vực đất đai, các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đã cung cấp luận cứ khoa học cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đai trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cung cấp cơ sở khoa học góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường bất động sản.
Trong quản lý tài nguyên nước, xác lập căn cứ khoa học để xác định hệ thống chỉ tiêu và trình tự xác định ngưỡng giới hạn khai thác đối với dòng chính sông phục vụ khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững tài nguyên nước lưu vực sông trên lãnh thổ Việt Nam; dự báo động thái nước dưới đất cho các cùng trên lãnh thổ Việt Nam; phục vụ việc xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa.
Trong quản lý, khai thác khoáng sản, các kết quả nghiên cứu đã góp phần hoàn thiện quy trình công nghệ phục vụ điều tra đánh giá khoáng sản, đề xuất công nghệ điều tra, tìm kiếm, thăm dò khai thác khoáng sản...
Đồng thời, các hoạt động khoa học và công nghệ đã góp phần bảo vệ môi trường, dự báo, cảnh báo đề xuất biện pháp phòng tránh thiên tai, bảo đảm an toàn cho cộng đồng xã hội. Trong đó, góp phần nâng cao chất lượng quan trắc, truyền tin và dự báo khí tượng thủy văn và ứng phó biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng và thời lượng cảnh báo bão, lũ, hạn hán, sóng thần; ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Ngoài ra, tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cũng đã tập trung trao đổi các nội dung như việc sử dụng hiệu quả các dữ liệu nghiên cứu về biển đảo, đất đai, khí hậu vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và chống biến đổi khí hậu; việc xã hội hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học trong ngành tài nguyên môi trường; vai trò của các nghiên cứu khoa học trong đưa ra các giải pháp khoa học trong quản lý, lập kế hoạch, quy hoạch bảo đảm phát triển bền vững…