Ngành Giao thông vận tải- Thành công trong xã hội hóa đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ

26/02/2016

Sáng 26/2, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Giao thông- Vận tải về hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giai đoạn 2005- 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.

Thứ trưởng Bộ GT- VT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của Bộ Giao thông- Vận tải, trong 10 năm Bộ đã triển khai 461 đề tài khoa học công nghệ với tổng kinh phí là 157.334 triệu đồng và đã có nhiều đề tài ứng dụng vào thực tế sản xuất. Các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu, công trình, sản phẩm từ việc thực hiện các nghiệm vụ khoa học công nghệ có hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, xã hội cao đều được Bộ tổ chức thông báo, giới thiệu, khuyến cáo áp dụng vào thực tế sản xuất như công nghệ cào bóc tái chế, Novachip, gối cầu, bentonit polyme hóa... Đồng thời việc tiếp thu và ứng dụng chuyển giao công nghệ kỹ thuật tiên tiến được thực hiện có hiệu quả, đến nay đã làm chủ được các công nghệ thiết kế, xây dựng các công trình giao thông hiện đại như cầu, hầm, đường bộ cao tốc, sân bay.

Trong đó, phần lớn các công nghệ triển khai ứng dụng hiệu quả trong ngành giao thông vận tải thời gian qua được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Thiết bị, vật tư, vật liệu mới sử dụng chủ yếu kinh phí của doanh nghiệp trong và ngoài nước, chỉ sử dụng ngân sách nhà nước cho công tác thí nghiệm, đánh giá, ban hành tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật, tổng kết công nghệ như các đề tài về tái chế mặt đường bê tông nhựa, lớp phủ siêu mỏng, hệ thống tự động báo hiệu đèn tín hiệu hàng hải.

Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông- Vận tải, việc đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Với đặc điểm của các sản phẩm cầu đường là sản xuất đơn chiếc, giá thành lớn thì các sản phẩm nghiên cứu về cầu đường rất khó có thể được các nhà thầu cho phép áp dụng thử nghiệm vì rủi ro cao. Một số sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao đòi hỏi phải có chứng chỉ quốc tế, sau khi chế thử sản phẩm do không có điều kiện thử nghiệm nên không được cấp phép để ứng dụng vào thực tế.

Đánh giá cao những thành tựu ngành giao thông vận tại đã đạt được, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng một trong những thành công của ngành giao thông vận tải là huy động nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư, xây dựng, phát triển khoa học công nghệ trong bối cảnh ngân sách nhà nước đầu tư hạn hẹp. Vì vậy, trong giai đoạn tới cần đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường hợp tác công- tư để huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển khoa học công nghệ; hỗ trợ, tạo điều kiện phát huy, chuyển giao các sáng chế, chế tạo, công nghệ mới của doanh nghiệp, hiệp hội, các thành phần kinh tế và người dân. 

Cũng tại buổi làm việc, đại diện Bộ Giao thông- Vận tải cho biết, trong 10 năm qua, hoạt động khoa học công nghệ tiếp tục phát huy có hiệu quả vai trò quản lý kỹ thuật và chất lượng trong các lĩnh vực của ngành như ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp quy kỹ thuật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, chỉ dẫn kỹ thuật, thử nghiệm vật liệu, công nghệ mới, kiểm định, đăng kiểm với các sản phẩm, công trình, trang thiết bị, phương tiện vận tải.

Trong việc thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, đại diện Bộ Giao thông- Vận tải cho biết, Bộ đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật của phương tiện đường bộ đầy đủ với mọi kiểu phương tiện đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất để đạt được tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh hiện đại hoá thông tin tín hiệu đường sắt...

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển khoa học công nghệ trong ngành giao thông- vận tải 10 năm qua vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: đầu tư, đổi mới công nghệ, trang thiết bị chưa thực sự mạnh mẽ, chưa đồng bộ; công tác thẩm định, đánh giá lựa chọn công nghệ chưa được quan tâm đúng mức; việc đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất còn gặp khó khăn ở khâu thử nghiệm; định mức xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đã lạc hậu, không phù hợp với thực tế... Đại diện Bộ Giao thông- Vận tải kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục rà soát, cập nhập bổ sung hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật, tăng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ. Đặc biệt, cần bổ sung cơ chế chính sách theo hướng đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có công nghệ mới; tăng đầu tư vào xây dựng liên quan đến khảo sát.

Tin và ảnh: Bảo Yến