Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Khoa học- Công nghệ

16/06/2016

Thực hiện Kế hoạch giám sát theo Nghị quyết số 1076/NQ-UBTVQH13, ngày 16-17/6, Đoàn giám sát về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo” do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng làm Trưởng đoàn làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về nội dung trên.

Đoàn giám sát đã làm việc với đơn vị do Bộ Khoa học- Công nghệ chỉ định về kết quả thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; làm việc với Quỹ NAFOSTED về hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, trong đó chú trọng việc gắn kết hoạt động nghiên cứu với doanh nghiệp, đầu tư cho nghiên cứu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngày càng nhiều công trình nghiên cứu cơ bản được công bố quốc tế dưới sự hỗ trợ của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia

Báo cáo về hoạt động của Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia, Giám đốc Quỹ Đỗ Tiến Dũng cho biết Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ; hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia. Từ năm 2009, Quỹ từng bước triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ các chương trình nghiên cứu, bao gồm chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học, hỗ trợ các đề tài hợp tác song phương, tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn. Bên cạnh đó, Quỹ cũng triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển hỗ trợ như hỗ trợ phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ, bảo lãnh vay vốn.

Tính đến năm 2015, Quỹ đã tiếp nhận tổng số 3.079 hồ sơ đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên từ khoảng 100 viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức khoa học trong cả nước. Trong đó, số lượng đề tài được đề nghị và phê duyệt tài trợ là 1.642 với trên 6000 nhà khoa học tham gia các nhóm nghiên cứu. Tổng kinh phí tài trợ theo hợp đồng đã ký là 1.070 tỷ đồng. Quỹ đã tổ chức đánh giá kết quả 681 đề tài. Số bài báo công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI được Hội đồng khoa học công nhận là kết quả của đề tài là 2126 công trình.

Bắt đầu triển khai chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn từ năm 2010, đến nay Quỹ đã tiếp nhận 589 hồ sơ đề tài và 281 đề tài được đề nghị tài trợ, trong đó 101 đề tài đã được đánh giá kết quả với 33 bài báo trên tạp chí quốc tế, 379 bài báo trên tạp chí quốc gia được Hội đồng khoa học công nhận là sản phẩm của đề tài.

Sau 7 năm hoạt động, kết quả các đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ cho thấy chất lượng nghiên cứu được nâng cao, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế thể hiện qua các sản phẩm khoa học là các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Một số nhiệm vụ khoa học công nghệ do Quỹ tài trợ, hỗ trợ đã có tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế xã hội của đất nước như đề tài đánh giá an toàn vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ mới trong nghiên cứu và sản xuất thuốc; tham gia hỗ trợ kỹ thuật Tập đoàn Dầu khí triển khai chuyển giao công nghệ và lắp đặt thành công dàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên tại Việt Nam.

Nhiều bộ, ngành cùng quản lý phát triển sản phẩm quốc gia

Báo cáo về kết quả thực hiện chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ đã phối hợp cùng với các Bộ, ngành quản lý, Hiệp hội ngành nghề và các nhà khoa học tiến hành tổ chức, xác định lựa chọn danh mục sơ bộ các sản phẩm quốc gia. Danh mục sản phẩm triển khai từ năm 2012 đều là những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, bảo đảm làm chủ được các công nghệ cơ bản, cốt lõi để chế tạo được sản phẩm, làm tiền đề cho việc phát triển các sản phẩm khác trong cùng lĩnh vực, góp phần quan trọng cho việc nâng cao năng lực công nghệ quốc gia.

Theo phân công Bộ chủ quản phát triển sản phẩm quốc gia thì Bộ Công thương chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm Giàn khoan dầu khí; Bộ Y tế với sản phẩm Vắc-xin cho người; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 03 sản phẩm là lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao, nấm ăn và nấm dược liệu và cá tra và các loại cá da trơn; Bộ Khoa học và Công nghệ có 06 sản phẩm là thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn, sản phẩm an ninh mạng; sản phẩm bảo mật thông tin; động cơ, Vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi và vi mạch điện tử.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ thẳng thắn thừa nhận bên cạnh những kết quả tích cực từ một số sản phẩm như Vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi, Vắc-xin phòng bệnh cho người, Thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn, Giàn khoan dầu khí di động thì trong quá trình trình triển khai Chương trình vẫn tồn tại một số hạn chế như: tiến độ triển khai các sản phẩm còn chậm so với dự kiến; Các sản phẩm được giao nhiều bộ ngành khác nhau quản lý vì vậy xuất hiện sự không thống nhất trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng chương trình. Sự huy động nguồn lực từ các nguồn khác tham gia Chương trình vẫn còn hạn chế, sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu và đầu tư sản xuất đôi lúc còn thực sự như mong muốn.

Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các sản phẩm đã ký hợp đồng, tiếp tục xem xét đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh mục các sản phẩm còn lại; rà soát các sản phẩm quốc gia đã được phê duyệt, xem xét bổ sung một số sản phẩm đáp ứng yêu cầu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; và tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng mới các cơ chế đặc thù đáp ứng các yêu cầu phát triển đối với từng sản phẩm quốc gia.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đặt nhiều câu hỏi nhằm làm rõ những nội dung được báo cáo và cho rằng các báo cáo cần bổ sung nhiều nội dung phân tích và làm nổi bật thực trạng, hiệu quả thực hiện các chương trình và việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Bày tỏ trăn trở về hiệu quả đầu tư khoa học công nghệ trong nước thời gian qua, các đại biểu mong muốn các cơ quan chủ quản, cơ quan, đơn vị thực hiện đưa ra được kiến nghị, đề xuất xác đáng nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, giữa trương và địa phương. Để qua đó, cùng với các cơ quan lập pháp, hành pháp đưa ra được những chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tin và ảnh: Bảo Yến