UỶ BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ QUỐC GIA VIỆT NAM - PVN

31/07/2019

Tiếp tục hoạt động giám sát về việc ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đối với ngành công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng và chế biến thực phẩm, chiều ngày 30/7, Đoàn giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – VPN.

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo Đoàn giám sát, đại diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho viết, việc tuân thủ đầy đủ các chính sách, quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) nói riêng và An toàn sức khoẻ môi trường (ATSKMT) nói chung là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Tập đoàn tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường theo đúng yêu cầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Gần đây nhất là việc phổ biến nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật bảo vệ môi trường tới các đơn vị thành viên. Nghị định này cũng đã cung cấp đầy đủ các cơ sở pháp lý, kỹ thuật cho việc tái sử dụng tro, xỉ thải làm vật liệu xây dựng, san lấp phụ gia xi măng.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ tro, xỉ thải của Tập đoàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế cho phép hạch toán chi phí vận chuyển, xử lý tro, xỉ thải vào giá điện nên các nhà máy chưa có nguồn kinh phí để thực hiện, dẫn đến việc chuyển giao tro, xỉ tới nơi tiêu thụ bị hạn chế. Tập đoàn cũng gặp vướng mắc trong việc cấp phép nhận chìm ở biển, chủ yếu do việc thẩm định hồ sơ cấp phép nhận chìm chưa được quy định đầy đủ, dẫn đến việc thẩm định kéo dài, không thống nhất giữa các Bộ, ngành và địa phương liên quan. Đặc biệt, chưa có phê duyệt quy hoạch về sử dụng biển, quy hoạch vùng biển được phép nhận chìm vật liệu nạo vét cảng dù đã được quy định tại Luật Tài nguyên Môi trường Biển và Hải đảo, gây ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí thực hiện dự án. Việc tìm kiếm dung dịch khoan đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khoan, đảm bảo an toàn trong quá trình khoan đồng thời đáp ứng các yêu cầu của QCVN 36:2010 gặp khó khăn.

Từ những khó khăn đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành liên quan cần xem xét ban hành các cơ chế tài chính đồng bộ, phù hợp, như cho phép hạch toán chi phí chuyển giao tro, xỉ thải vào giá điện, ban hành các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dịch vụ tiêu thụ và xử lý tro xỉ; Sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể, khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam để giải quyết vấn đề nhận chìm chất nạo vét; công bố quy hoạch các khu vực biên được phép tiến hành - chìm vật liệu nạo vét để các doanh nghiệp làm căn cứ xây dựng hồ sơ xin phép tiến hành nhận chìm; Hỗ trợ Tập đoàn về việc xem xét, ban hành quy định sửa đổi QC 36:2010 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của hoạt động dầu khí; Xem xét, chỉnh sửa dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trao tặng quà lưu niệm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – VPN.

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá cao công tác thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thời gian qua. Những kiến nghị của Tập đoàn sẽ được Đoàn phản ánh để cùng các bộ, ngành tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, đơn vị cần tiếp tục chú trọng vào xây dựng những phương án ứng cứu khẩn cấp, bảo vệ môi trường, phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất và tổ chức diễn tập định kỳ./.

Vũ Thạch