Nâng cao năng lực của hệ thống cơ quan ngành thú y

24/05/2015

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, chiều 23/5, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thú y.

Dự án Luật thú y đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường cũng như tổng hợp ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện để trình ra Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Dự thảo Luật thú y trình Quốc hội xem xét thông qua gồm 7 chương và 116 điều. Dự thảo Luật điều chỉnh các hoạt động về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y và hành nghề thú y.

Việc ban hành Luật thú y sẽ góp phần quản lý hiệu quả hơn hoạt động chăm sóc, chữa trị bệnh và kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho động vật, phát triển chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, một số nội dung của dự thảo luật còn nhiều ý kiến khác nhau như hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y, thẩm quyền công bố dịch bệnh, cơ sở giết mổ động vật….

Về hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y, tại phiên thảo luận các ý kiến phát biểu đều tán thành quy định về hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y có từ trung ương đến cấp huyện. Tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau về cách thể hiện khi quy định về hệ thống cơ quan này ở cấp tỉnh và cấp huyện.

ĐBQH Danh Út phát biểu tại hội trường                                                                                                  Ành: Đình Nam

Theo đại biểu Danh Út - Kiên Giang, luật cần quy định cụ thể cơ quan quản lý chuyên ngành về thú y từng cấp. Việc quy định cụ thể cơ quan quản lý thú y sẽ tạo điều kiện ổn định và nâng cao năng lực của hệ thống cơ quan ngành thú y.

Đại biểu Ma Thị Thúy-Tuyên Quang lại đề nghị dự thảo Luật nên quy định hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y được tổ chức từ Trung ương đến cấp xã. Theo đại biểu, quy định như vậy để hoạt động thú y có hiệu quả hơn, nhằm tăng nguồn lực và trách nhiệm trong công tác thú y ngay từ cơ sở, hạn chế các dịch bệnh xảy ra.

Về thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn, có hai luồng quan điểm cho rằng thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn nên giao cho Chủ tịch UBND huyện như trong dự thảo, còn một số đại biểu khác đề nghị nên quy định như Pháp lệnh thú y 2004 rằng thẩm quyền này nên giao cho Chủ tịch UBND tỉnh.

Đại biểu Lưu Thị Huyền- Ninh Bình, nhất trí với việc phân cấp thẩm quyền công bố dịch động vật trên cạn ở địa phương đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Điều này phù hợp với năng lực thực tế của chính quyền cấp huyện hiện nay, đồng thời tăng thêm trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở đối với việc kiểm soát dịch bệnh, tránh tình trạng trông chờ cấp tỉnh phân công rồi mới thực hiện.

Đại biểu Ma Thị Thúy-Tuyên Quang, bày tỏ lo ngại nếu giao cho cấp huyện công bố dịch bệnh sẽ không đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị cũng như thẩm quyền để huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh. Đại biểu đề nghị giao thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn ở địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga- Nam Định, đại biểu Trần Văn Tấn - Nghệ An cũng có cũng quan điểm chỉ nên giao thẩm quyền công bố dịch động vật cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như quy định của Pháp lệnh thú y năm 2004.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết phát biểu tại hội trường                                                                                                 

Về cơ sở giết mổ động vật, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết- An Giang, cho rằng dự thảo Luật cần quy định theo hướng tăng dần cơ sở giết mổ tập trung thông qua các chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia, đồng thời cần quy định cụ thể các điều kiện giết mổ động vật nhỏ lẻ theo hướng giới hạn quy mô mới cho phép, để hạn chế những cơ sở quá nhỏ lẻ, không đủ điều kiện xử lý môi trường.

Về điều kiện công bố dịch bệnh, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy- Tp.Hồ Chí Minh nhận xét dự thảo luật mới chỉ đưa ra các quy định mang tính định tính, thiếu yếu tố định lượng trong các quy định về điều kiện công bố dịch bệnh. Điều này sẽ gây khó khăn cho địa phương khi áp dụng và có thể bị áp dụng tùy tiện, không thống nhất và sẽ gây ra những thiệt hại không nhỏ cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Đồng quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ-Thái Bình cho rằng việc công bố dịch bệnh là cần thiết, không nên che dấu, song trước khi công bố cần căn cứ vào các tiêu chí quy định và hết sức thận trọng. Theo đại biểu, điều kiện công bố dịch bệnh phải rất rõ ràng về tiêu chí quy mô dịch bệnh, phạm vi, không gian và thời gian.

Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga phát biểu tại hội trường                                                                                                              

Để các quy định trong luật có tính khả thi, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga-Nam Định đề nghị luật nên quy định theo hướng mở. Tức, việc giết mổ tập trung cũng phải theo lộ trình vì thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh đã phê duyệt các cơ sở giết mổ tập trung, nhưng chỉ có một số tỉnh ở miền Nam là thực hiện được, còn ở miền Bắc và miền Trung hầu như chưa có tỉnh nào thực hiện được do có rất nhiều khó khăn.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật thú y tiếp tục được chỉnh lý hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Bảo Yến