THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

17/04/2020

Sáng ngày 17/4, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ dung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì cuộc họp.

 

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh/thành phố; đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan.

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Phương thức giải quyết các vấn đề về môi trường đã có sự thay đổi tử bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm để phát triển kinh tế-xã hội song hành với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay đã có nhiều thay đổi, đặt ra những yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, đó là: Môi trường nước ta đang diễn biến ngày cảng phức tạp, chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất đang diễn ra gay gắt, đặc biệt là tại Đông bằng sông Cửu Long, ô nhiễm môi trường tạo điều kiện cho sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID - 19 hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các quốc gia trong đó có Việt Nam về vấn đề bảo vệ môi trường, tiêu thụ động vật hoang dã; Xu thể hợp tác và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới đang có nhiều thay đối, các quốc gia ngày càng coi trọng nhiều hơn đến lợi ích của quốc gia, tạo ra sự gia tăng các vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, chuyển dịch ô nhiễm sang các nước đang phát triển; Thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra sự phát triển vượt bậc về trình độ khoa học công nghệ, đặt ra cơ hội, yêu cầu mới về tư duy cách thức trong quản lý môi trường; Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều cam kết quốc tế có liên quan đến môi trường, đòi hỏi phải sớm thể chế hóa để thực thi, khẳng định trách nhiệm và vị thế của quốc gia; Từ năm 2014 đến nay, nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành và cần được thể chế hóa kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm rõ một số nội dung

Về tên gọi của dự án Luật, Cơ quan soạn thảo cho biết, theo hồ sơ đề nghị ban đầu, dự án Luật có tên là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường với dự kiến 07 nhóm chính sách được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, qua quá trình đánh giá, tổng kết, nghiên cứu, tham vấn các chuyên gia, các Bộ, ngành và địa phương cho thấy bên cạnh 07 nhóm chính sách đã được đề xuất, còn 06 nhóm chính sách khác cũng cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung để có sự đổi mới một cách căn bản về các công cụ quản lý môi trường, đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, qua đó phải sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường để đáp ứng yêu cầu đặt ra về công tác bảo vệ môi trường trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, Cơ quan soạn thảo đã báo cáo và đề xuất thay đổi tên của dự án Luật. Ngày 29/02/2020, Chính phủ đã có Tờ trình số 67/TTr-CP báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị điều chỉnh tên của dự án Luật là dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) thay thế cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Theo Cơ quan soạn thảo cho biết, dự thảo Luật bám sát 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, cụ thể: Nhóm chính sách về tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư; Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; Quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải; Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường; Nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; Công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường; Quản lý chất lượng môi trường; Quản lý cảnh quan thiên nhiên; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường; Quan trắc thông tin, cơ sở dữ liệu và báo cáo môi trường; Hội nhập, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng nêu một số ý kiến

Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, Ủy ban thẩm tra và các đại biểu tham dự nhất trí với sự cần thiết sửa đổi hiện hành với lý do hoàn thoàn thuyết phục của cơ quan soạn thảo; tán thành đề xuất đổi tên dự án Luật là Luật Bảo vệ môi trường; tuy nhiên việc đánh giá tác động của 13 nhóm chính sách chưa được toàn diện, có nhóm chính sách còn đánh giá khá đơn giản, chưa được cụ thể. Về một số nội dung liên quan đến nhóm chính sách mới của Dự luật, đề nghị cần đánh giá tác động cụ thể hơn nữa; một số nội dung cần cân nhắc thêm khi quy định vào trong luật. Đồng thời đề nghị Cơ quan soạn thảo cần làm rõ một số vấn đề về tính hợp hiến, hợp pháp; sự phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng; tính tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Các đại biểu cho ý kiến tại phiên họp

Một số đại biểu chỉ ra rằng, Dự luật lần này đã có nhóm chính sách quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu là tương đối tốt, tuy nhiên các nội dung trong chính sách này còn chưa rõ, có khi lại quá rộng. Liên quan đến chính sách này, đại biểu đề nghị, các quy định về thuế cac-bon cũng cần rà soát, tính toán cho phù hợp.

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, Thường trực Ủy ban đánh giá cao sự nỗ lực của Cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật tương đối đầy đủ, công phu, đủ điều kiện để trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Phiên họp tháng 4. Đồng thời, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý xác đáng, sâu sắc của các đại biểu, đảm bảo xây dựng một dự án Luật có tính khả thi cao khi đi vào cuộc sống./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh