HỘI THẢO GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

24/12/2022

Sáng 24/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn và Chủ tịch Liên hiệp hội Phan Xuân Dũng đồng chủ trì Hội thảo.

LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI): TRÁNH XUNG ĐỘT VỚI CÁC LUẬT CÓ LIÊN QUAN

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp hội Phan Xuân Dũng nêu rõ, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua năm 2005 đã mở ra khung pháp lý quan trọng cho việc xác lập các hình thức giao dịch, trao đổi, thông tin trên môi trường mạng, giúp kiến tạo các khuôn khổ pháp lý, nền tảng cơ bản của việc tạo dựng hình thức giao dịch mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nên tảng công nghệ số, internet và không gian mạng ngày nay.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo

Trước yêu cầu cấp thiết phải kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII, Hiến pháp 2013 cũng như để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, sự biến đổi nhanh chóng cùng tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ trong việc đẩy mạnh chuyển đối số quốc gia, Luật Giao dịch điện tử cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thích ứng với hoạt động của xã hội, doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Vì thế, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là rất cần thiết.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, tại Kỳ họp thứ Tư, đã có 77 lượt đại biểu Quốc hội góp ý tại tổ và 15 lượt đại biểu Quốc hội góp ý tại Hội trường đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Về cơ bản, các ý kiến này sau khi rà soát đều đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý tương đối đầy đủ để hoàn thiện dự thảo Luật.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3 nội dung lớn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trước hết là về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đề nghị cân nhắc có một số nội dung không thể áp dụng ngay, ví dụ như về vấn đề thừa kế, đất đai, kết hôn… Bên cạnh đó, quy định về dịch vụ tin cậy, định danh và xác thực điện tử còn mâu thuẫn với một số văn bản luật và Nghị định liên quan. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ nội hàm của các nhóm nội dung này.

Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, về tổng thể, dự án Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương đối thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và đặc biệt khá tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, dự án Luật tác động rất nhiều đến người dân và doanh nghiệp, vì vậy cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, về đối tượng áp dụng là có quy định đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài không; tổ chức, cá nhân từ bên ngoài thực hiện giao dịch điện tử với cá nhân, tổ chức trong nước có phải theo luật này không?

Về kết nối, chia sẻ dữ liệu tại Điều 43, các đại biểu cho rằng quy định còn chung chung mà chưa có sự rõ ràng, cụ thể trong áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế kết nối chia sẻ dữ liệu của các nền tảng số; sự thừa nhận lẫn nhau để thực hiện giao dịch điện tử. Quy định “dữ liệu chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước là không thu phí, trừ trường hợp khai thác, sử dụng dữ liệu thuộc danh mục được quy định trong Luật phí và lệ phí” cũng cần có những quy định và chế tài để bảo đảm cơ quan có dữ liệu phải cấp mà không được thu phí.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)