PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO VỀ DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

23/02/2023

Chiều 23/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi).

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và chỉ đạo Hội thảo. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Hội thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua năm 2005 đã mở ra khung pháp lý quan trọng cho việc xác lập các hình thức giao dịch, trao đổi, thông tin trên môi trường mạng, giúp kiến tạo các khuôn khổ pháp lý, nền tảng cơ bản của việc tạo dựng hình thức giao dịch mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nên tảng công nghệ số, internet và không gian mạng

Trước yêu cầu cấp thiết phải kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII, Hiến pháp 2013 cũng như để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, sự biến đổi nhanh chóng cùng tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ trong việc đẩy mạnh chuyển đối số quốc gia, Luật Giao dịch điện tử cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị các đại biểu góp ý tích cực, thẳng thắn về các nội dung trọng tâm của dự thảo Luật.

Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ số kinh tế số và xã hội số.

Một số đại biểu cho rằng, dự án Luật tác động rất nhiều đến người dân và doanh nghiệp, vì vậy cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, về đối tượng áp dụng, các quy định an toàn, an ninh, bảo mật trong giao dịch, chính sách phát triển giao dịch điện tử...

Luật sư Lê Hà Ngọc (Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT) đề nghị bổ sung các điều khoản mới về trách nhiệm của cơ quan tổ chức khi thu thập thông tin trong giao dịch điện tử đồng thời phải có nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu của người tiêu dùng là cá nhân và tổ chức trong môi trường số, qua đó cấm các hành vi mua bán tiết lộ trái phép thông tin cá nhân của khách hàng nhằm trục lợi.

Ngoài ra, dự thảo Luật nên bổ sung một số các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ tính trung thực của các giao dịch điện tử như: bổ sung quy định buộc xóa trang website, trang mạng xã hội bị người tiêu dùng tố cáo lừa đảo và đã được xác nhận là có hành vi lừa đảo; bổ sung quy định để người sử dụng dịch vụ trên nền tảng số có quyền hủy bỏ hợp đồng sử dụng dịch vụ trong vòng 14 ngày...

Về chính sách phát triển giao dịch điện tử, Luật sư Lê Thu Minh (Công ty Luật Baker & McKenzie) kiến nghị, nên mô tả cụ thể hình thức, mục đích của nền tảng số. Theo đó, nền tảng số là hệ thống thông tin tạo môi trường điện tử được thể hiện dưới dạng trang thông tin điện tử (website) hoặc ứng dụng di động (application) cho phép các bên thực hiện trọn vẹn quy trình giao dịch trong quá trình cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Nền tảng số bao gồm nền tảng số trung gian và các nền tảng số khác. 

Đại diện Công ty Luật TNHH ALB & Partners, bà Trần Thị Thanh Thư đề nghị sửa đổi khoản 8 Điều 3 dự thảo thành: “Chứng từ điện tử là chứng từ được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế cấp cho người nộp thuế hoặc do tổ chức thu thuế, phí, lệ phí cấp cho người nộp bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật phí, lệ phí, pháp luật thuế”. Bên cạnh đó, dự thảo Luật nên có những quy định về việc xác định giao dịch, hợp đồng điện tử vô hiệu dựa trên những đặc tính riêng của loại giao dịch này.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng làm rõ một số vấn đề đại biểu, doanh nghiệp quan tâm

Luật sư Châu Việt Bắc (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) đề nghị tại Điều 14 quy định Thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ, nên sửa cụm từ: “Cách thức xác định người khởi tạo, gửi, nhận thông điệp dữ liệu và các yếu tố phù hợp khác” thành “cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác” vì việc bổ sung “người gửi, nhận và lưu trữ” là không cần thiết bởi tính xác thực của chứng cứ chỉ cần “người khởi tạo” có đầy đủ năng lực khởi tạo ra thông điệp dữ liệu và bảo đảm trọn vẹn thông tin là đủ”.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu, doanh nghiệp, chuyên gia quan tâm và cho rằng các ý kiến đóng góp là xác đáng, phong phú, đa chiều, nhiều ví dụ tình huống, có giá trị để Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của môi trường số thì sẽ không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, thậm chí có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam. Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và “số phải phong phú hơn thực”, phải đảm bảo có độ phủ rộng, làm phong phú hơn các loại giao dịch, tránh việc lên môi trường số thì phức tạp hơn. Đồng thời, phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng tính đồng bộ với các luật khác, tính thống nhất, xuyên suốt trong Luật này. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm ngôn ngữ thể hiện trong dự thảo Luật đơn giản và dễ hiểu hơn. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao các ý kiến thảo luận với tinh thần trách nhiệm, tập trung góp ý trực tiếp những nội dung cụ thể của các chuyên gia, luật sư trong nước và quốc tế. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là dự luật khó, do đó, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án Luật cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp từ các đại biểu, chuyên gia, các doanh nghiệp, có phản hồi, giải trình kịp thời các nội dung góp ý; đồng thời tiếp tục rà soát tính đồng bộ của dự luật với các luật khác. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần tham vấn thêm các thông lệ quốc tế, có sự tư vấn của chuyên gia ngôn ngữ để bảo đảm tính khả thi, dễ nhớ, dễ tiếp cận của luật. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cảm ơn hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, luật sư, đại diện pháp chế của các doanh nghiệp đã tham gia nhiều ý kiến xác đáng vào các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật; khẳng định, sẽ nghiên cứu tiếp thu trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội. 

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác