DỰ KIẾN BÁO CÁO ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI 05 VẤN ĐỀ LỚN TRONG TIẾP THU, GIẢI TRÌNH VÀ CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

31/01/2023

Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023 tới. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng dự kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội 05 vấn đề lớn trong việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật.

THIẾU TƯỚNG TỐNG VIẾT TRUNG: CẦN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG KỸ HƠN KHI MỞ RỘNG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ ĐẾN TẤT CẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

Đề cập về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, ngay sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV, Thường trực Ủy ban đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông - cơ quan soạn thảo Dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường dự kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội 05 vấn lớn trong việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật; quan điểm các cơ quan trong tiếp thu là thống nhất, cụ thể gồm:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1): Đa số ý kiến nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và không áp dụng một số trường hợp loại trừ tại thời điểm hiện tại. Một số ý kiến tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhưng đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi. Có ý kiến đề nghị nên hạn chế phạm vi điều chỉnh mở rộng đối với các lĩnh vực đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn, khai sinh… Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thể hiện lại Điều 1 để bảo đảm dễ hiểu, đúng phạm vi điều chỉnh hơn.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, giao dịch điện tử đã và đang thực hiện phổ biến trong tất cả các lĩnh vực, hoạt động đời sống kinh tế, xã hội. Một số giao dịch thuộc phạm vi bị loại trừ tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã và đang được triển khai một phần như: Đăng ký kết hôn, cấp giấy khai sinh, cấp giấy khai tử,…

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, thực tế, các dịch vụ công trực tuyến do các bộ, ngành địa phương cung cấp đang được đẩy mạnh theo hướng toàn bộ quá trình. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một số quốc gia trên thế giới cũng không quy định các lĩnh vực loại trừ áp dụng giao dịch điện tử; có quốc gia chỉ nêu các trường hợp loại trừ ở các văn bản dưới luật nhằm dễ dàng thay đổi khi điều kiện thực tiễn cho phép; có quốc gia đã thu hẹp phạm vi các lĩnh vực loại trừ trong Luật. Do vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo đã chỉnh lý phạm vi điều chỉnh như  Điều 1 dự án Luật.

Thứ hai, về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử (Điều 7): Có ý kiến đề nghị xác định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử; đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về nền tảng số cho toàn diện, phù hợp với xu thế hiện nay; có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò quản lý nhà nước của cơ quan thuộc Chính phủ quản lý về giao dịch điện tử tại Khoản 4 Điều 7. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã giải trình rõ trong báo cáo về nội dung này và xin giữ như Dự thảo.

Thứ ba, về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (Điều 26): Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thay tên Điều 26 “Chữ ký số chuyên dùng Chính phủ” bằng “Chữ ký số chuyên dùng công vụ” cho phù hợp với phạm vi sử dụng chữ ký số chuyên dùng.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiếp thu ý kiến trên. Đồng thời bổ sung khoản 4 Điều 26 giao Chính phủ quy định chi tiết điều này và bổ sung điều khoản chuyển tiếp thay thế cụm từ này trong các luật có liên quan (Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam) để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.


Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023 tới. 

Thứ tư, về dịch vụ tin cậy (Điều 29): Có ý kiến đề nghị rà soát khoản 2 và khoản 4 quy định về dịch vụ tin cậy là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cho phù hợp với Luật Đầu tư; đề nghị quy định rõ theo hướng khi doanh nghiệp hội đủ điều kiện thì cấp cả 03 loại dịch vụ tin cậy; đề nghị quy định theo hướng chỉ giao cho một cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc cấp phép cho các tổ chức cung cấp dịch vụ; đề nghị làm rõ hơn đối với loại hình dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiếp thu ý kiến nêu trên và chỉnh sửa như trong Dự thảo (Điều 26, khoản 3 Điều 56).

Thứ năm, về tài khoản định danh điện tử (Điều 48 và khoản 3 Điều 49): Có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ Điều 48 về tài khoản định danh điện tử vì được điều chỉnh tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử; có ý kiến đề nghị đối chiếu Luật căn cước công dân (sửa đổi) do Bộ Công an đang chủ trì xây dựng, trong đó cũng có quy định về định danh và xác thực điện tử; có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 49 là trùng với nội dung Điều 48, do đó đề nghị bỏ quy định này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn khẳng định: Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiếp thu các ý kiến trên để đảm bảo tính thống nhất, không có sự trùng lặp trong hệ thống pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cụ thể.

Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 8 chương, 56 Điều được thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tại phiên thảo luận ở Hội trường, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Đồng thời, nhấn mạnh việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng./.

Bích Lan