XEM XÉT QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CÁC TRƯỜNG HỢP SỬ DỤNG ĐẤT PHỤC VỤ CHO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

23/03/2023

Chiều ngày 23/3, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy viên Thường trực Ủy ban Nguyễn Văn An điều hành Hội thảo.

QUY ĐỊNH RÕ TIÊU CHÍ ĐỂ ĐỊNH GIÁ ĐẤT SÁT VỚI THỊ TRƯỜNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN THAM MƯU

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI PHẢI ĐẢM BẢO NGƯỜI BỊ THU HỒI ĐẤT CÓ CHỖ Ở, THU NHẬP VÀ ĐIỀU KIỆN SỐNG BẰNG HOẶC TỐT HƠN NƠI Ở CŨ

Tham dự Hội thảo còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh và các thành viên của Ủy ban; đại diện các cơ quan, hiệp hội cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học.


Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: Luật Đất đai là dự án luật quan trọng, có ý nghĩa thiết thực và tác động sâu rộng trong đời sống xã hội. Thời gian qua, Quốc hội đã và đang có những đánh giá thực tiễn, thảo luận, lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung các điều khoản để luật ngày càng phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống.

Tại hội thảo này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mong muốn được lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội về 4 nội dung: (1). Điều tra, đánh giá đất đai được quy định tại điều 56, 57, 58, 59 của dự thảo luật; (2). Quản lý sử dụng đất nông nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, đất sử dụng cho khu công nghệ cao, đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, đất cảng hàng không, sân bay, đất dành cho đường sắt, đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn được quy định tại điều 171, 187, 194 đến 201 của dự thảo luật; (3). Không gian sử dụng đất, đất xây dựng công trình ngầm, đất xây dựng công trình trên không được quy định tại điều 207 của dự thảo luật; (4). Đất sử dụng đa mục đích được quy định tại điều 209 của dự thảo luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: Những ý kiến của các đại biểu tại hội thảo sẽ là nguồn tư liệu khoa học quan trọng để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp thu, xây dựng báo cáo nhằm hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp sắp tới. 

Ngăn chặn tình trạng sản xuất nông nghiệp lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học làm ô nhiễm, suy thoái đất

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Quy định pháp luật đất đai liên quan đến môi trường, bảo vệ môi trường trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); quy định không gian sử dụng đất, đất xây dựng công trình ngầm và công trình trên không...

Đề cập về mối quan hệ giữa đất đai và môi trường, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam nêu quan điểm: Đất đai là thành phần cơ bản của môi trường, do vậy giữa đất và môi trường có mối liên hệ mật thiết với nhau. Những quy định pháp luật về đất đai liên quan đến môi trường được thể hiện ở các văn bản pháp luật khác nhau như luật bảo vệ môi trường , luật đất đai, luật Quy hoạch, luật lâm nghiệp, luật khoáng sản…

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất đó là những quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai (sửa đổi) 2023. Để có những nhìn nhận đầy đủ hơn góp ý cho Luật Đất đai (sửa đổi), những vấn đề môi trường cần phải được xem xét đầy đủ, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện trong luật đất đai, mặt khác tránh những sự chồng chéo và không phù hợp với những quy định đã có trong luật bảo vệ môi trường đối với đất đai.


PGS.
TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Từ yêu cầu trên, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng, đối với nội dung sử dụng đất nông nghiệp, cần rà soát, xem xét lại nội dung quy định liên quan đến bảo vệ môi trường trong các trường hợp sử dụng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngăn chặn được thời gian vừa qua sản xuất nông nghiệp quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học làm ô nhiễm, suy thoái đất.

Đối với đất chưa sử dụng cần quy định duy trì, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên nhằm bảo đảm chất lượng đất không bị suy giảm. Đối với đất sử dụng phi nông nghiệp, cần quy định cụ thể, chi tiết hơn và lồng ghép bảo vệ môi trường phù hợp với từng loại đất này như đất khu công nghiệp, đất đô thị, đất khu dân cư, đất sử dụng xử lý chất thải…

Trong quy định Luật Đất đai sửa đổi nên nghiên cứu, cân nhắc và bổ sung nội dung đất đai phải được “hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế”. Vì đây là quan điểm của Đảng đưa ra tại Nghị quyết 18-NQ/TW. Trong nội dung xác định giá đất, đối với nguyên tắc xác định giá đất cần tính tới yếu tố chất lượng môi trường rõ hơn dựa trên nguyên tắc “chất lượng môi trường” được cấu thành trong giá đất.


Ông Trương Mạnh Tiến, nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế môi tường Việt Nam nêu quan điểm.

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, ông Trương Mạnh Tiến, nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế môi tường Việt Nam đề xuất đối với nội dung sử dụng đất nông nghiệp, cần rà soát, xem xét lại nội dung quy định liên quan đến bảo vệ môi trường trong các trường hợp sử dụng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Điều này nhằm góp phần ngăn chặn được thời gian vừa qua sản xuất nông nghiệp quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học làm ô nhiễm, suy thoái đất. 

Đối với đất chưa sử dụng cần quy định duy trì, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên nhằm bảo đảm chất lượng đất không bị suy giảm. Đối với đất sử dụng phi nông nghiệp, cần quy định cụ thể và chi tiết hơn và lồng ghép bảo vệ môi trường phù hợp với từng loại đất này như đất khu công nghiệp, đất đô thị, đất khu dân cư, đất sử dụng xử lý chất thải... 

Cần quy định rõ hơn về quyền sử dụng không gian ngầm và không gian trên không

Đề cập về không gian sử dụng đất, đất xây dựng công trình ngầm và công trình trên không, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam khẳng định: Với vai trò của đất đai trong phát triển kinh tế-xã hội, trong đời sống nhân dân; vị thế của Luật Đất đai trong hệ thống pháp luật và giải pháp đổi mới, quyết liệt trong triển khai dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã huy động được sự đóng góp ý kiến rộng rãi, đồng bộ và có tính khoa học, thực tiễn.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam.

Qua kết quả đã thu nhận được cho thấy cần quan tâm hơn đến tính hoa học và bài học kinh nghiệm từ ngoài nước để xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) có chất lượng cao. Trong đó có vấn đề về không gian sử dụng đất, đất xây dựng công trình ngầm và công trình trên không. Đây là vấn đề trong dự thảo Luật đã đề cập đến về nghĩa vụ người sử dụng đất, đó là đúng ranh giới, đúng độ sâu trong lòng đất và đúng chiều cao trên không. Song còn chung chung, chưa gắn với thực tiễn đang diễn ra, nhất là liên kết với Luật khác. Ví dụ Luật Quy hoạch đô thị nêu quản lý sử dụng đất đô thị phải theo Luật Đất đai.

Trong Luật Xây dựng yêu cầu về cấp phép xây dựng cũng nêu phải phù hợp Luật Đất đai. Trong định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến 2030 (Nghị quyết 06-NQ/TW tháng 01/2022) đã nêu: Nhiệm vụ quản lý không gian nổi, không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị phù hợp với các chiến lược. Trong Nghị quyết 18-NQ/TW ban hành tháng 06/2022 về đất đai có định hướng xây dựng pháp luật quy định chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm. Do vậy, trong Luật Đất đai cần xác định nội dung này để khai thác và quản lý có hiệu quả, chặt chẽ tài nguyên đặc biệt của quốc gia.

Xung quanh vấn đề trên, ông Lưu Đức Hải- Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ hơn về quyền sử dụng không gian ngầm và không gian trên không. Trong đó đề cập cụ thể hơn về thuế, lệ phi khi sử dụng không gian ngầm và không gian trên không.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh phát biểu kết luận tại Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện các cơ quan, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học đối với việc sửa đổi Luật Đất đai; đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật này trong xây dựng hệ thống pháp luật và đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch sử dụng đất; bảo đảm quyền và lợi ích của Nhân dân đối với việc sử dụng đất đai...

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, các ý kiến đóng góp đều tập trung vào các nội dung đã được đề xuất góp ý, đây là nguồn tư liệu khoa học quan trọng và sẽ được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu và đề xuất với Quốc hội trước khi xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới và trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật này./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:


Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 


Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An phát biểu điều hành Hội thảo.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) Nguyễn Văn Tiến nêu quan điểm về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.

Viện trưởng Viện Quản lý Đất đai và phát triển nông thôn - Đại học Lâm nghiệp Nguyễn Bá Long góp ý vào quyền chuyển nhượng, cho thuê lại, góp vốn và thế chấp quyền sử đụng đất.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Tp.Hải Phòng Bùi Thanh Tùng đề cập về các quy định liên quan đến quản lý, chế độ sử dụng các loại đất. 


Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh phát biểu ý kiến về định nghĩa các loại đất.

 Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nêu quan điểm về việc sửa đổi Luật Đất đai phải giảm được chi phí và khiếu kiện về đất đai.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến vào việc định giá đất, đất sử đụng đa mục đích.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của việc sửa đổi Luật Đất đai và cho biết, những ý kiến, đề xuất sửa đổi Luật này sẽ được tập hợp đầy đủ trước khi Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Bích Lan-Trọng Quỳnh

Các bài viết khác