Tham dự cuộc đón tiếp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cùng các Ủy viên Thường trực của Ủy ban và một số Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Kinh tế; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Về phía Đoàn công tác của Vương quốc Anh có Ngài John Murton -Đặc phái viên về COP26 của Chính phủ Vương quốc Anh làm Trưởng Đoàn cùng các thành viên. Về phía Phái đoàn Liên minh Châu Âu có Đại sứ Marc Vanheukelen- Đại sứ Liên minh Châu Âu về Ngoại giao về Khí hậu làm Trưởng Đoàn; Trưởng ban Tài chính Khí hậu, Tổng cục Khí hậu Philip Owen cùng các thành viên.
Toàn cảnh cuộc đón tiếp của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với Đoàn công tác của Vương quốc Anh và Phái đoàn Liên minh Châu Âu.
Tại cuộc làm việc, Đặc phái viên về COP26 của Chính phủ Vương quốc Anh John Murton cảm ơn lãnh đạo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các Ủy ban của Quốc hội đã dành thời gian tiếp Đoàn công tác của Vương quốc Anh và Phái đoàn Liên minh Châu Âu. Chuyến thăm là để Đoàn công tác của Vương quốc Anh và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tìm hiểu kế hoạch thực hiện các cam kết tại COP26, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam và các chính sách, pháp luật liên quan. Bên cạnh đó là giới thiệu và thảo luận về khả năng phát triển một Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng dành cho Việt Nam, tương tự với Chương trình của Nam Phi
Đoàn công tác của Vương quốc Anh và Phái đoàn Liên minh Châu Âu cũng mong muốn lắng nghe về những thuận lợi, khó khăn và thách thức của Việt Nam đối với việc chuyển dịch năng lượng, đặc biệt về việc đầu tư phát triển điện lưới, từ góc nhìn của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng như lắng nghe Việt Nam đề xuất những hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế cho các kế hoạch của quốc gia.
Với những đóng góp của Việt Nam tại COP26, Đặc phái viên về COP26 của Chính phủ Vương quốc Anh John Murton đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, đặc biệt là tuyên bố phát thải ròng bằng 0 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra và sự tham gia của Việt Nam vào Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch. Đặc phái viên về COP26 của Chính phủ Vương quốc Anh John Murton cũng khẳng định cam kết hỗ trợ của Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu và cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết về khí hậu.
Đặc phái viên về COP26 của Chính phủ Vương quốc Anh John Murton (ảnh trái) đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Thay mặt Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan liên quan của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi chào mừng và cảm ơn Ngài John Murton- Đặc phái viên về COP26 của Chính phủ Vương quốc Anh và các thành viên Đoàn công tác của Anh và Liên minh Châu Âu tới thăm và làm việc với Ủy ban cũng như các cơ quan liên quan của Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi nhấn mạnh: Ngành năng lượng đóng góp gần 2/3 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu nên việc giảm thiểu phát thải trong ngành này là yếu tố quyết định việc đạt được các mục tiêu về giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Theo các ước tính hiện nay, phát thải các-bon đi-ô-xít (CO2) có liên quan đến hoạt động năng lượng trên thế giới cần phải giảm ít nhất 70% vào năm 2050. Ngành điện sẽ trở thành ngành đóng góp chính bởi giảm phát thải các-bon trong các ngành khác (như ngành sưởi ấm, làm mát và giao thông vận tải) thường khó khăn hơn. Quá trình chuyển đổi năng lượng là chìa khóa thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Ngài Chủ tịch COP, Ngài Đặc phái viên về COP26 của Chính phủ Vương quốc Anh và Ngài Marc Vanheukelen, Đại sứ về Ngoại giao khí hậu của EU đã có chỉ đạo kịp thời để triển khai các bước liên quan tới Đối tác chuyển đổi công bằng cho Việt Nam. Qua làm việc với các cơ quan đối tác của Việt Nam, các Ngài có thể thấy Việt Nam đang rất khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình tại COP 26 thông qua việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo; đồng thời tiến hành nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện các cam kết này. Trong đó, có thể kể đến một số kết quả đã đạt được như sau: ứng phó với biến đổi khí hậu đã được luật hóa tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020; Xác định phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu là lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA; Xác định rõ tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong thương mại và đầu tư. Điều này thể hiện rất rõ trong Luật Đầu tư năm 2020, theo đó ngành, nghề liên quan đến ứng phó biến khí hậu và chuyển đổi năng lượng nằm trong nhóm được hưởng ưu đãi đầu tư (Điều 16).
Đặc phái viên về COP26 của Chính phủ Vương quốc Anh John Murton cũng đánh giá cao tuyên bố phát thải ròng bằng 0 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra và sự tham gia của Việt Nam vào Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi khẳng định: Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đang tập trung tích cực triển khai các hoạt động triển khai kết quả Hội nghị COP26, trong đó bao gồm: Rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; Tích cực, chủ động làm việc với các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển để tranh thủ hợp tác về tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết tại Hội nghị COP26; Xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, bao gồm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chiến lược đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét; Rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; Xây dựng kế hoạch triển khai Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; kế hoạch thực hiện giảm 30% khí mê-tan; Đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh góp phần đạt được mục tiêu cam kết; Hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo…
Về Quy hoạch điện VIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có cam kết về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào 2050 tại Hội nghị COP26, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát lại toàn bộ đề án Quy hoạch điện VIII theo các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thường trực Chính phủ. Ngày 15/4/2022, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về Quy hoạch điện VIII. Hiện Quy hoạch điện VIII đã được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan; được Hội đồng thẩm định thông qua và dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2022.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi (ảnh trái) khẳng định: Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đang tập trung tích cực triển khai các hoạt động triển khai kết quả Hội nghị COP26.
Về việc xây dựng lộ trình chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch: Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, lộ trình chuyển đổi điện than sẽ được xem xét, đề xuất hợp lý vừa đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tới năm 2030, Việt Nam sẽ chỉ phát triển các nhà máy nhiệt điện than hiện đang trong quá trình xây dựng. Sau năm 2030 sẽ không phát triển các nhà máy điện than mới và các nhà máy đang trong quá trình vận hành tại thời điểm này sẽ chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydrogen hoặc amonia xanh nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường.
Về cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam: Việt Nam đã đệ trình Liên Hợp Quốc đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam vào năm 2015; cập nhật NDC vào năm 2020. Trong NDC cập nhật, Việt Nam đã thể hiện rõ trách nhiệm của một quốc gia đang phát triển chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu; tập trung nguồn lực để thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Đến 2030, bằng nguồn lực của mình, Việt Nam giảm 9% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường. Mức giảm này sẽ tăng lên đến 27% khi nhận được hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế về công nghệ, tài chính và tăng cường năng lực.
Với cam kết đưa phát thải khí nhà kính về “0” vào 2050, theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mức giảm phát thải vào năm 2030 của Việt Nam là khoảng 43% so với mức phát thải trong điều kiện phát triển thông thường (cao hơn mức 27% trong NDC cập nhật). Mức giảm phát thải này đã được đưa vào Dự thảo Chiến lược biến đổi khí hậu đến năm 2050.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cũng đã đưa ra đề nghị với Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh quan tâm giúp Việt Nam rà soát, cập nhật và hoàn thiện khung chính sách và pháp luật về phát triển năng lượng nhằm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng các Chiến lược: Phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam; Phát triển năng lượng quốc gia; Phát triển ngành điện lực Việt Nam; Bảo vệ môi trường quốc gia. Các Quy hoạch: Phát triển điện lực quốc gia; Tổng thể năng lượng quốc gia; Hạ tầng dự trữ, cung cứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Các đại biểu tham dự cuộc đón tiếp.
Các dự án Luật: Nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí; Nghiên cứu, xây dựng Luật về năng lượng tái tạo; Nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Bảo vệ khí hậu. Cung cấp nguồn tài chính ổn định, rõ ràng về tổng vốn và lộ trình cung cấp cho Việt Nam để Việt Nam chủ động thực hiện quá trình chuyển đổi. Hỗ trợ Việt Nam thực hiện đánh giá toàn diện các tác động của chuyển đổi năng lượng và hỗ trợ để hạn chế các tác động tiêu cực trong quá trình chuyển đổi; bảo đảm quá trình chuyển đổi là công bằng đối với tất cả người dân, nhất là người nghèo, phụ nữ, trẻ em, những người yếu thế, những người mất công ăn, việc làm do chuyển đổi; thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào 2050; Kết nối với các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng có khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính, tín dụng cũng như hỗ trợ chuyên môn và công nghệ, nâng cao năng lực, bao gồm cả năng lực quản lý để Việt Nam thực hiện các cam kết cũng như các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu; Đánh giá mức độ phát thải từ cấp cơ sở; Phát triển thị trường các-bon trong nước kết nối với thị trường quốc tế; Thúc đẩy các doanh nghiệp EU và Anh đầu tư vào Việt Nam và tham gia thực hiện các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam; Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, để thay thế cho nguồn năng lượng từ các nhà máy nhiệt điện chạy than; hỗ trợ công nghệ vận hành hệ thống năng lượng quốc gia khi tỷ lệ năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời ngày càng cao.
Cũng tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công tới Ngài John Murton, Đặc phái viên về COP26 của Chính phủ Vương quốc Anh và các thành viên Đoàn công tác của Anh cũng như Liên minh Châu Âu; chúc Đoàn có một chuyến công tác thành công và có những ngày tại Việt Nam thật thú vị và hiệu quả, thưởng thức những hương vị đặc biệt của Hà Nội và Việt Nam./.