Toàn cảnh hội thảo
Tham dự Hội thảo còn có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh/ thành phố; đại diện các Bộ, ngành, đơn vị hữu quan, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học có quan tâm đến lĩnh vực này.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức rất rõ khoa học và công nghệ (KH&CN) là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp. Trong xu thế hội nhập hiện nay, KH&CN là một yếu tố có tác động to lớn đến việc tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước ta; là chìa khoá cho việc hội nhập thành công, cho việc thực hiện rút ngắn quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước bắt kịp với các quốc gia khác trên thế giới; là yếu tố quyết định đến việc thực hiện mục tiêu chuyển nền kinh tế của nước ta sang nền kinh tế tri thức, cho tiến trình toàn cầu hoá. Doanh nghiệp ngày càng nhận thức vai trò của KH&CN trong phát triển bền vững do đó tăng cường đầu tư cho phát triển KH&CN đặc biệt là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Viettel, Vingroup, Thaco Trường Hải...
Từ vị trí và tầm quan trọng của KH&CN, Tiểu ban Kinh tế-xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng khóa XIII đã giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành nghiên cứu chuyên đề: “Việc thực hiện các mục tiêu phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch 5 năm 2021-2025”. Để phục vụ cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, đề xuất với Tiểu ban và cung cấp thông tin cho chuyên đề nghiên cứu trên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học.
Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng phát biểu
Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ rõ thực trạng KH&CN thời gian vừa qua,theo đó Luật Khoa học và Công nghệ đã tạo bước đột phá cơ bản trong hoạt động khoa học và công nghệ, đó là: đổi mới về tổ chức khoa học và công nghệ; đột phá về chính sách sử dụng và đãi ngộ nhân lực khoa học và công nghệ và công nghệ; đổi mới về phương thức đầu tư cho khoa học và công nghệ; đổi mới về ứng dụng kết quả nghiên cứu và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ; quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính cho nghiên cứu khoa học và công nghệ thông qua Quỹ; hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ; vinh danh các nhà khoa học, lấy ngày 18/5 hằng năm là “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam”. Các văn bản xương sống của ngành KH&CN được ban hành thời gian vừa qua gồm: Nghị quyết Số: 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 “Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI; Luật khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013; Quyết định 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ; các văn bản khác như: Nghị quyết các kỳ họp Ban Chấp Trung ương Đảng khoá XII, các Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định chính phủ, Thông tư liên quan được ban hành. Từ 2011 đến nay đã ban hành 03 Luật 35 Nghị định, 213 Thông tư 25 Quyết định của Chính phủ và các Bộ liên quan đến KH&CN. Hệ thống văn bản của Đảng và quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ đã cơ bản vận hành ngành khoa học và công nghệ nước nhà phát triển nhanh.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được về công tác quản lý, ứng dụng thì nguồn nhân lực KH&CN còn thiếu về số lượng cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ chưa đạt tỷ lệ 10-12 cán bộ khoa học trên 1 vạn dân; Nguồn nhân lực KH&CN tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế khó khăn, vùng dân tộc ít người và miền núi còn rất thấp, có nơi không có. Tỉ lệ nhân lực KH&CN có trình độ, kỹ năng chuyên môn cao, còn thấp so với cơ cấu. Tỉ lệ nhân lực KH&CN trong các doanh nghiệp còn thấp, có doanh nghiệp chưa có nhân lực. Việc quy hoạch đội ngũ viên chức khoa học và công nghệ chưa gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, chuyên gia đầu ngành, chuyên môn hoá ở các lĩnh vực. Nhận thức của các cấp, ngành và địa phương về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện; Hành lang pháp lý và cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ; Năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn non trẻ, manh mún...
Các đại biểu thảo luận
Hơn nữa, các chính sách cụ thể phục vụ cho phát triển KH&CN chưa thực sự đồng bộ để phục vụ có hiệu quả nhu cầu phát triển của thực tế sản xuất kinh doanh. Quá trình đổi mới cơ chế, chính sách phát triển KH&CN, về mặt chủ trương, đường lối thông thoáng, định hướng rõ ràng, nhưng về mặt thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Cơ chế đầu tư và chính sách cho KH&CN chưa đáp ứng kịp đòi hỏi của thực tế hoạt động KH&CN. Chính sách về tự chủ, tự chịu trách nhiệm không đồng bộ nên các đơn vị sự nghiệp KHCN công lập chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, chưa chủ động phối hợp, liên doanh, liên kết với các tổ chức ngoài công lập trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, một số đại biểu còn nhận định kết quả triển khai ứng dụng vào thực tiễn và mức độ gắn kết của các hoạt động nghiên cứu KH&CN với yêu cầu của doanh nghiệp chưa cao; tỷ lệ các nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tới các doanh nghiệp, có sự tham gia, đối ứng trực tiếp của doanh nghiệp còn hạn chế.
Kết thúc Hội thảo, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến thảo luận sâu sắc, xác đáng thể hiện tâm huyết trong lĩnh vực khoa học công nghệ của các đại biểu; khẳng định các ý kiến thảo luận tại Hội thảo sẽ là nguồn thông tin quý báu để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tham mưu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật KH &CN; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KH&CN giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2025 với Trung ương Đảng trong báo cáo Kinh tế-xã hội phục vụ Đại hội Đảng khóa XIII./.