Toàn cảnh phiên bế mạc
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam còn có Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ.
Chủ tịch IPU Duarte Pacheco chủ trì phiên thảo luận toàn thể và phát biểu bế mạc Đại hội đồng IPU-142. Đại hội đồng IPU-142 còn có sự tham gia của Tổng Thư ký IPU Martin Chungong và hơn 1000 nghị sĩ và chuyên gia đến từ 135 quốc gia.
Trong phiên thảo luận toàn thể, các đại biểu đã tiếp túc thảo luận về chủ đề chính của Đại hội đồng lần này là “Vượt qua đại dịch hôm nay và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn: Vai trò của các nghị viện”. Sau hai ngày thảo luận về chủ đề chung, có thể thấy sự tương đồng trong nhận thức chung của các nghị viện các nước, dường như thách thức từ đại dịch COVID-19 đã khiến các nước gần nhau hơn trong nhận thức về ứng phó với thách thức chung, thích ứng với đại dịch. Trong đó khẳng định vai trò của nghị viện. Nghị viện không thể nằm ngoài quá trình đối phó và phục hồi sau đại dịch. Nghị viện sẽ luôn đồng hành với Chính phủ mỗi quốc gia, thể hiện trong việc ban hành các chính sách pháp luật nhằm triển khai các biện pháp nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân ứng phó với tác động của đại dịch, chú trọng đến phụ nữ và trẻ em, thanh niên, những nhóm yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt là vai trò của nghị viện với nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương trong vấn đề phân bổ vắc xin, nhấn mạnh rằng vắc xin là quyền con người. Các nước có ưu thế sản xuất vắc xin tăng cường hỗ trợ để người dân các nước phát triển, các nước chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh được tiếp cận vắc xin một cách công bằng, kịp thời; thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin , nâng cao năng lực ứng phó với đại dịch COVID-19. Đồng thời, xây dựng lại các nền kinh tế bền vững và bao trùm hơn.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên bế mạc
Các nghị viện cũng không quên đi việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và thanh niên, tăng cường đối thoại và sự tham gia vào hoạt động chính trị của người dân, duy trì nền dân chủ, hòa bình và các quyền con người.
Trong bối cảnh đó, bản thân mỗi nghị viện cũng phải thích ứng với điều kiện mới, thay đổi phương thức hoạt động, linh hoạt, đẩy mạnh chuyển đổi số…để đảm bảo vừa duy trì chương trình nghị sự của nghị viện vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của chính các nghị sỹ.
Trong phiên bế mạc Đại hội đồng IPU-142, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã cùng các nghị viện thành viên của IPU thông qua các nghị quyết, báo cáo và các văn bản của Đại hội đồng. Gồm: Nghị quyết về Chiến lược nghị viện để tăng cường hòa bình và an ninh chống lại các nguy cơ và xung đột do các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu và các hậu quả. Nghị quyết về lồng ghép số hóa và nền kinh tế tuần hoàn để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm. Cả hai nghị quyết này đều được xây dựng một cách cụ thể để các quốc gia có thể căn cứ và thiết kế kế hoạch hành động quốc gia một cách chi tiết.
Phiên bế mạc diễn ra theo hình thức trực tuyến
Đại hội đồng đã thông qua chủ đề của Ủy ban thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế tại Đại hội đồng lần thứ 144 về “Suy nghĩ và định hướng lại cách tiếp cận các tiến trình hòa bình nhằm mục đích tăng cường nền hòa bình dài lâu”; thông qua Chủ đề của Ủy ban về Phát triển bền vững tại Đại hội đồng lần thứ 144 về “Thúc đẩy công nghệ thông tin và truyền thông như một động lực cho giáo dục, kể cả trong thời kỳ đại dịch”.
Trong Bản tóm tắt của kết quả của Đại hội đồng IPU-142, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco cho biết qua thảo luận tại gần 30 cuộc họp trực tuyến trong khuôn khổ IPU-142, các Nghị viện thành viên IPU đã kêu gọi phản ứng mạnh mẽ hơn để chấm dứt đại dịch cũng như các hành động nhằm thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững, bình đẳng giới, trao quyền cho thanh niên, dân chủ và quyền con người.
Tại Đại hội đồng lần thứ 142, Hội đồng Điều hành đã nhất trí bầu Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, Nội vụ và Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Quốc gia Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) Ali Rashed Al Noaymi vào Ban Chấp hành thay ông Abdel Aal (Ai Cập) kết thúc nhiệm kỳ. Hội đồng Điều hành bầu 6 thành viên của Ủy ban Nhân quyền của nghị sĩ và 2 thành viên của Ủy ban về các vấn đề Trung Đông.
Đại hội đồng lần thứ 142 cũng đã nhất trí thành lập Giải thưởng IPU Cremer-Passy - giải thưởng hàng năm dành cho một nghị sĩ hoặc nhóm nghị sĩ có đóng góp xuất sắc cho sứ mệnh của IPU cũng như cho một thế giới đoàn kết, công bằng, an toàn, bền vững và bình đẳng hơn.
Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng, phiên họp của Hội đồng Điều hành, cũng như các hội nghị bên lề khác. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể. Cùng với đó là sự tham gia và phát biểu của Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại Hội nghị trực tuyến ASGP. Thể hiện vai trò thành viên tích cực, trách nhiệm của IPU và các diễn đàn nghị viện quốc tế, khu vực khác; đồng thời, thể hiện sự ủng hộ sự phát triển của IPU và những định hướng chiến lược mới của IPU trong giai đoạn 2022 - 2026./.