Tại hội nghị, Đại sứ COP 26 của Anh phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Nam Á trình bày nghiên cứu về tình hình khu vực, trao đổi về tầm quan trọng của quan hệ hợp tác giữa Chủ tịch COP với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Nam Á, từ đó đưa ra các khuyến nghị phục hồi xanh sau đại dịch để góp ý kiến vào các văn kiện của Hội nghị tháng 11 tới đây.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Mội trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề và ngày càng hiện hữu của biến đổi khí hậu, nhất là hai năm qua. Bên cạnh đại dịch COVID-19, Việt Nam liên tiếp hứng chịu thiên tai từ hạn hán, sụt lún, xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long đến lũ lụt, sạt lở đất ở các tỉnh miền trung và miền núi phía bắc. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhờ những kinh nghiệm tích lũy được, cũng như những kinh nghiệm được chia sẻ từ các quốc gia, đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định Việt Nam là một trong những nước trong ASEAN được đánh giá thành công trong phòng, chống COVID-19 và khắc phục nhanh hậu quả.
Đại sứ COP 26 của Anh HE Ken O’Flaherty
Chia sẻ về một số kết quả và kinh nghiệm mà Quốc hội về giải quyết những biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy nêu rõ: Biến đổi khí hậu đang và sẽ là vấn đề toàn cầu, Quốc hội Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các thoả thuận, các cơ chế, các cuộc họp, diễn đàn quốc tế, khu vực về biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường thực thi trách nhiệm của mình trong việc nội luật hoá đầy đủ các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (Công ước Vienna về bảo vệ tầng Ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC); Nghị định thư Kyoto; Thỏa thuận Paris về khí hậu, các cam kết ở khu vực...Cơ chế phát triển sạch (CDM); Cơ chế giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD); Hoạt động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA); Cơ chế Tín chỉ chung (JCM); Cơ chế thích ứng trong khuôn khổ thích ứng Cancun (CAF); Kế hoạch hành động Bali và các cơ chế tài chính cho BĐKH như Quỹ Môi trường toàn cầu, Quỹ Khí hậu xanh (GCF))…
Quốc hội Việt Nam cũng đã ban hành được trên 25 đạo luật và nghị quyết liên quan trực tiếp tới ứng phó với biến đổi khí hậu và rất nhiều kế hoạch hành động cấp quốc gia về biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường có riêng một chương về biến đổi khí hậu, sắp tới sẽ xây dựng riêng Luật về biến đổi khí hậu. Trong các nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội của Quốc hội Việt Nam luôn luôn có các chỉ tiêu về môi trường và biến đổi khí hậu. Và lồng ghép mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội được đồng bộ từ cấp quốc gia, cho đến cơ sở.
Bên cạnh đó, cần phân bổ ngân sách hợp lý và kịp thời cho biến đổi khí hậu. Ngân sách là nhân tố quan trọng cho sự thành công trong thích ứng và giảm nhẹ thiên tai. Luôn luôn có kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. Phần lớn ngân sách nhà nước đầu tư cho các giải pháp thích ứng, phòng chống, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nguồn dự phòng thiên tai; khi xảy ra thiên tai thì huy động mọi nguồn lực sẵn có, trong đó ngân sách nhà nước và nguồn dự phòng ngân sách nhà nước là chủ yếu và phần còn lại là từ sự huy động các thành phần kinh tế khác và nguồn xã hội hóa để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai. Thực hiện phương châm: 4 tại chổ (chỉ huy tại chổ; lực lượng tại chổ; phương tiện tại chổ; hậu cần tại chổ. Phương châm 3 sẵn sàng (chủ động ứng phó; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy nhấn mạnh, cần quan tâm thiết lập hệ thống cơ cấu tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, thiết lập được sự phối hợp liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực, lồng ghép mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (xây dựng các mô hình thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong từng lĩnh vực nông nghiệp, đô thị, giao thông, năng lượng..., thông qua việc tăng cường sinh kế cho cộng đồng, từ đó nhân rộng các mô hình trên).
Ngoài ra còn thúc đẩy các dịch vụ môi trường, các dịch vụ về tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế. Tận dụng và khai thác tối đa lợi thế của Việt Nam trong việc khai thác và phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời, năng lượng gió và sóng biển. Đồng thời, phát huy tối đa vai trò giám sát của Quốc hội cho mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, nhất là giám sát việc phân bổ và sử dụng ngân sách; giám sát về công tác xây dựng kịch bản ứng phó và diễn tập ứng phó biến đổi khí hậu; lồng ghép mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như một số vấn đề cụ thể về sạt lở đất, sạt lở bờ biển, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, và việc thực thi các cam kết quốc tế, các dự án hợp tác quốc tế tại Việt Nam. Năm 2019 Quốc hội Việt Nam đã giám sát toàn diện về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập trong phạm vi cả nước qua đó đã đề xuất nhiều giải pháp.
Hội nghị trực tuyến là một bước chuẩn bị cho Cuộc họp của các nghị sĩ nhân dịp Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26) sẽ họp vào tháng 11/2021 và cũng là dịp để các nghị sĩ của các khu vực chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn ứng phó biến đổi khí hậu./.