ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM DỰ HỘI THẢO TRỰC TUYẾN FREELAND – AIPA VỀ NGĂN NGỪA ĐẠI DỊCH THÔNG QUA CÁCH TIẾP CẬN MỘT SỨC KHỎE

07/07/2021

Chiều 07/7, theo giờ Hà Nội, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia Hội thảo trực tuyến do AIPA và Freeland phối hợp tổ chức với chủ đề “Ngăn ngừa đại dịch thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe”.

Hội thảo có sự tham gia của Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân; Chủ tịch quốc tế, Giám đốc Điều hành của Quỹ Freeland Steve Galster và các đại biểu của các nghị viện thành viên AIPA, các phái đoàn quan sát viên, các chuyên gia của các tổ chức quốc tế và khu vực. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có sự tham dự của Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đinh Công Sỹ cùng các cán bộ, chuyên viên Văn phòng Quốc hội.

 Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia hội thảo trực tuyến với chủ đề “Ngăn ngừa đại dịch thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe” từ điểm cầu Nhà Quốc hội

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân cho biết, hội thảo trực tuyến lần này tập trung vào việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của đại dịch Covid - 19 và thúc đẩy các giải pháp lâu dài để ngăn chặn đại dịch trong tương lai, đồng thời đảm bảo một môi trường an toàn và lành mạnh hơn thông qua "Phương pháp tiếp cận Một sức khỏe". Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân nêu rõ, "Cách tiếp cận Một sức khỏe” là một cách tiếp cận toàn cầu kết hợp chuyên môn, mục tiêu và nguồn lực về sức khỏe con người, sức khỏe động vật và sức khỏe hệ sinh thái nhằm phát hiện và ngăn chặn sự xuất hiện và lây lan của một đại dịch mới.

Nhấn mạnh, Hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) bao gồm các Nghị viện thành viên từ 10 quốc gia ở Đông Nam Á đã củng cố cam kết của khu vực trong việc chống tội phạm xuyên biên giới, trong đó có buôn bán động vật hoang dã,  được xem là ngang hàng với các tội phạm xuyên quốc gia lớn khác như buôn bán ma túy, buôn người, khủng bố và buôn lậu vũ khí. Cùng với những nỗ lực của các chính phủ nhằm chống lại tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm về động vật hoang dã, Đại hội đồng AIPA đã thông qua các nghị quyết nhằm tăng cường thực thi pháp luật và trật tự hợp tác trong khu vực để chống lại tội phạm về động vật hoang dã. AIPA cũng đã phối hợp với tổ chức, các bên liên quan trong đó có tổ chức Freeland để tiến hành tham vấn về các nỗ lực chống buôn bán động vật hoang dã, qua đó khuyến khích các quốc gia thành viên AIPA sử dụng luật pháp và chính sách làm công cụ để chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã.

Freeland được biết đến là một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan, hoạt động ở châu Á về bảo tồn môi trường và nhân quyền. Tổ chức cũng tiến hành các hoạt động nhằm ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và hủy hoại môi trường. Freeland là đối tác hợp tác của AIPA từ năm 2012.

Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân cũng cho rằng hội thảo trực tuyến lần này được tiến hành vào đúng thời điểm khi khu vực Đông Nam Á đang trải qua 19 đợt đại dịch nghiêm trọng và các quốc gia thành viên AIPA hiện đang vật lộn để vượt qua thời gian đầy thử thách này.

Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo các đại biểu nghe trình bày tham luận và tập trung thảo luận về vai trò của ASEAN trong phòng chống đại dịch ở khu vực, nguồn gốc của đại dịch (nguồn gốc của sự bùng phát dịch bệnh từ động vật), cách ngăn chặn đại dịch, việc giảm các mối đe dọa từ buôn bán động vật hoang dã, lộ trình phòng ngừa; các công cụ và nguồn lực thực hiện như công cụ pháp lý các luật hiện có và những khoảng trống cần lấp đầy để giải quyết rủi ro; công cụ tài chính nhằm thực hiện các biện pháp giảm thiểu đại dịch và điều chỉnh các chương trình phục hồi.

Khu vực Đông Nam Á Nam được xác định là một trong những “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã hoặc hệ sinh thái. Trong những thập kỷ vừa qua ghi nhận nhiều bệnh truyền nhiễm có liên quan đến động vật hoang dã như động vật linh trưởng và HIV, cầy hương và SARS, dơi và EBOLA và nay là đại dịch COVID-19 một phần nguyên nhân là từ hành vi phá hủy môi trường sống hoang dã, săn bắt động vật hoang dã của con người. Các đại biểu đều thống nhất rằng COVID – 19 không phải là đại dịch đầu tiên và nó sẽ không phải là cuối cùng nếu như con người không giải quyết các nguyên nhân gốc rễ. Các đại biểu kêu gọi đã đến lúc ngừng buôn bán động vật hoang dã và ủng hộ việc chăn nuôi bền vững, nhân đạo, thay đổi mối quan hệ của con người với thiên nhiên để bảo vệ tất cả sự sống trên trái đất.

Tiếp tục thể hiện là một thành viên tích cực của AIPA, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã chủ động, tích cực, đóng góp thực chất vào nội dung hội thảo. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cùng các nước thành viên và các chuyên gia trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với các nghị viện thành viên AIPA, trong nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng ngừa các nguồn gốc của đại dịch mang tính gốc rễ, đặc biệt trong bối cảnh khu vực, thế giới đang gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát đại dịch COVID-19. Bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu tại hội thảo về nguy cơ của việc buôn bán động vật hoang dã, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ đặt câu hỏi về giải pháp nào đối với quốc gia cho vấn đề này trong bối cảnh thiết hụt ngân sách và cho rằng bất cứ giải pháp nào cũng nên xuất phát từ con người và vì con người.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ phát biểu tại hội thảo

Hiện nay, để kiểm soát một cách hiệu quả các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các nước trên thế giới đều đang cố gắng tự bản thân mình cũng như hợp tác với các nước khác để kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả bằng cách sử dụng những cách tiếp cận toàn diện, phối hợp đa ngành, tích hợp đối với sức khỏe con người và động vật cũng như các bối cảnh xã hội và môi trường của chúng.

“Một sức khỏe” là cách tiếp cận đang thu hút được nhiều sự chú ý ở các diễn đàn khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế để đạt được sức khỏe tối ưu cho người, động vật và môi trường. Đây là khái niệm rộng, phản ánh bất kì mối quan hệ nào giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường. Từ góc độ y tế công cộng, mục tiêu cuối cùng của “Cách tiếp cận Một sức khỏe” là làm thế nào để có một sức khỏe con người tốt nhất. Hay nói cách khác, sức khỏe con người được coi là trung tâm và được đặt trong mối quan hệ với sức khỏe động vật và môi trường.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), “Một sức khỏe” được hiểu là những cố gắng trong sự phối hợp đa ngành ở cấp độ toàn cầu, quốc gia và khu vực để đạt được một sức khỏe tối ưu cho con người, động vật và môi trường.  “Cách tiếp cận Một sức khỏe” kêu gọi một sự thay đổi mô hình phát triển, thực hiện và duy trì chính sách y tế mà có sự tham gia chủ động hơn của ngành y tế, thú y, khoa học môi trường, sinh học, sinh thái học, công nghệ thực phẩm và các ngành khác có liên quan đến sức khỏe.

Đại biểu các nước tham gia hội thảo trực tuyến

Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Y tế đã từng được các tổ chức quốc tế như WHO, FAO, OIE đánh giá là đã phối hợp tốt với nhau và kiểm soát thành công các đợt dịch bệnh như SARS và cúm H5N1 và nay là COVID-19. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thách thức để “Cách tiếp cận Một sức khỏe” hoạt động được trong điều kiện thực tế cũng như áp dụng trên diện rộng cho mục tiêu bảo vệ sức khỏe. Thực tế cho thấy, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm, và Việt Nam nằm trong khu vực điểm nóng của bệnh truyền nhiễm, nơi chịu ảnh hưởng của các yếu tố như tăng dân số, đô thị hóa, di chuyển, và những thay đổi của môi trường. Để giải quyết được một vấn đề sức khỏe phức tạp hiệu quả và bền vững, cần thiết hợp tác xuyên ngành, các quy định mang tính pháp lý cao, các biện pháp tài chính, những người được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực hành./.

Bảo Yến - Minh Thành