ỦY BAN KINH TẾ THẨM TRA QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN 2045 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 5 NĂM 2021-2025

07/10/2021

Chiều 07/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể để thẩm tra Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đến dự.

Ủy ban Kinh tế thẩm tra Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025)

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, về quan điểm quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, gắn với thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh, bền vứng, đảm bảo tính liên kết liên vùng, liên tỉnh, gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn, gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn, gắn kết phát triển hạ tầng với quy hoạch dân cư, giữa công nghiệp hóa với đô thị hóa trên bình diện quốc gia và từng địa phương.

Quy hoạch đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tổng thể từ Trung ương làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng an ninh, đảm bảo yêu cầu an ninh lương thực quốc gia, an ninh nguồn nước, tỷ lệ che phù rừng, bảo vệ các hệ sinh thái, di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, định hứng cho việc mở rộng không gian sử dụng đất thông qua việc khai khoáng, lấn biển.

Đồng thời tiếp cận nguyên tắc bền vững, mọi nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên sự cân bằng, khả năng cung ứng của hệ sinh thái đất đai, bảo vệ phục hồi đất đai bị suy thoái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, được phân kỳ khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trình bày Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025)

Mục tiêu của Quy hoạch sử dụng đất là đảm bảo nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực và địa phương thực hiện các Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đảm bảo kết nội không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và đảm bảo kết nối các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%. Khai hoang, phục hóa, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng, hạn chế tình trạng suy thoái đất, cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa.

Về phương án quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch xác định là 27,73 triệu ha, giảm 25,22 nghìn ha so với năm 2020. Trong đó để bảo đảm an ninh lương thực và nhu cầu xuất khẩu diện tích đất trồng lúa là 3,57 triệu ha. Quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp đến 2030 là 4,9 triệu ha, tăng 965,37 nghìn ha so với năm 2020. Quy hoạch sử dụng đất khu kinh tế là 1,65 triệu ha, tăng 15,49 nghìn ha; Đất khu công nghệ cao là 4,14 nghìn ha; Đất đô thị là  2,95 triệu ha. Đến năm 2030 quỹ đất chưa sử dụng của cả ước còn lại 505,60 nghìn ha.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai; đồng thời bãi bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai. Chính phủ đề nghị Quốc hội biểu quyết về việc quyết định phân kỳ chỉ tiêu sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), giao Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào nhu cầu phát triển của từng ngành và địa phương để quyết định chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai gợi ý nội dung thảo luận

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua; đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nêu một số lưu ý cần được khắc phục. Xem xét sự phù hợp của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch khác. Bởi theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng đến nay quy hoạch tổng thể quốc gia chưa có. Điều này đòi hỏi quá trình lập các quy hoạch cần có sự phối hợp rà soát giữa các cơ quan để bảo đảm đồng bộ thống nhất giữa các loại quy hoạch; đồng thời rà soát để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch và điều kiện bảo đảm nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Xem xét các chỉ tiêu cụ thể của Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025) như chỉ tiêu đất trồng lúa; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất rừng sản xuất; đất khu công nghiệp; đất phát triển hạ tầng…các đại biểu đặt vấn đề về quan điểm tiếp tục điều chỉnh diện tích đất trồng lúa; cân nhắc nên giữ hay điều chỉnh linh hoạt theo hướng phát huy hiệu quả sử dụng đất; việc điều chỉnh linh hoạt cần bảo đảm có thể khôi phục lại đất trồng lúa, không thay đổi tính chất của đất trồng lúa. Ngoài ra, đối với đất khu công nghiệp dự kiến quy hoạch cũng tăng khá nhiều so với giai đoạn trước, tuy nhiên thực tế giai đoạn 2011-2020 chỉ tiêu đất khu công nghiệp đạt rất thấp (hơn 47,45%), tỷ lệ lấp đầy bình quân chỉ là 75%. Do đó cần rà soát chỉ tiêu đất khu công nghiệp để bảo đảm tính khả thi, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh còn phức tạp giai đoạn tới, việc thu hút đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ khó khăn hơn.

Một vấn đề được các đại biểu quan tâm là hiện nay một số địa phương thiếu quỹ đất nên tiến hành lấn biển để phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, cần thiết phải quy định tiêu chí cụ thể như thế nào để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo, làm rõ một số nội dung 

Báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, quy hoạch lần này có điểm mới là tính đến các chỉ tiêu cố định theo căn cứ chính trị, xác định mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đề ra như bảo tồn rừng, rừng đặc dụng, an ninh lượng thực thì giữ vững; bên cạnh đó có những chỉ tiêu giữ và xem xét có điều kiện để khai thác sử dụng linh hoạt, hiệu quả theo thị trường mà không làm thay đổi tính chất đất đai. Đất phi nông nghiệp và đất khác không cứng nhắc mà được xác định trên tiêu chí đánh giá hiệu quả, tác động xã hội, chuyển đổi lực lượng sản xuất, liên quan đến công nghệ, nhà đầu tư và ở đây giao quyền cho địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, tính khả thi của quy hoạch phụ thuộc vào các địa phương có tính toán, cân nhắc chi tiết các dự án đầu tư dựa trên hiệu quả đầu tư trên đất đai, xã hội và môi trường. Do đó, quy hoạch một mặt đảm bảo định hướng trong quản lý đất đai, cân đối đất đai cho bảo tồn, bảo vệ không gian; mặt khác có tính đến thị trường huy động dự án đầu tư, tiến độ sử dụng đất.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao Hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia  được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, chất lượng tăng lên qua nhiều lần tiếp thu, bảo đảm đúng chủ trương đường lối, bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Các đại biểu cũng quan tâm đến việc lấy ý kiến Nhân dân, đối tượng chịu sự tác động; lưu ý quá trình lập các quy hoạch để bảo đảm thống nhất, hạn chế thấp nhất các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các loại quy hoạch.

Bên cạnh đó, cần bổ sung căn cứ cần thiết như bảng tổng hợp nhu cầu đất của bộ ngành địa phương, cơ sở của việc đưa ra các chỉ tiêu; đánh giá lại kết quả tổ chức thực hiện chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch giai đoạn trước, một số chỉ tiêu không hoàn thành cần được quan tâm làm rõ; hiệu quả sử dụng từng loại đất ở từng lĩnh vực để đủ cơ sở định hướng. Phương pháp bảo đảm cân đối hài hòa không gian lãnh thổ, liên kết vùng miền địa phương, nội vùng, gắn kết đô thị nông thôn, đánh giá hiệu quả lợi ích kinh tế và môi trường của đất lấn biến.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận nội dung thảo luận

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, nhiều đại biểu quan tâm đến đất trồng lúa gắn với Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa ở những vùng có tiềm năng phát triển nông nghiệp; một số ý kiến quan tâm đến nguyên tắc sử dụng đất trồng lúa để khai thác hiệu quả; phải có chính sách để địa phương giữ đất lúa; quan tâm đến giữ rừng, hiệu quả sử dụng rừng; cần quan tâm làm rõ nhu cầu để quy hoạch hợp lý đất khu công nghiệp, khu công nghệ cao, sử dụng đúng mục đích. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm nguyên tắc gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn, chuyển đổi nông thôn mới sang đô thị; gắn giao thông với bố trí dân cư (mô hình TOD); gắn kết giữa yêu cầu công nghiệp hóa với nhu cầu đô thị hóa trên bình diện quốc gia và ở từng địa phương, thậm chí là từng dự án…

Đối với các kiến nghị cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về cơ bản các đại biểu tán thành chủ trương phân cấp, giao quyền cho chính quyền địa phương song chỉ nên áp dụng với các dự án đầu tư công, đồng thời cân nhắc thể thức văn bản trình, quy trình thủ tục đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung làm rõ nguồn lực triển khai thực hiện quy hoạch bảo đảm khả thi, khắc phục quy hoạch treo, tăng cường ứng dụng công nghệ thống tin giải quyết tranh chấp khiếu nại./.

Bảo Yến - Minh Thành

Các bài viết khác