Có một thể chế pháp luật phù hợp, cơ chế thực thi nghiêm túc, kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua mọi trở ngại

17/03/2016

Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam (dự án RCV), sáng 17/3, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Tọa đàm “ Thể chế pháp luật kinh tế của một số quốc gia trên thế giới”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, Viên trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đồng chủ trì tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm còn có các Giáo sư, Tiến sĩ, các chuyên gia đầu ngành về pháp luật kinh tế, các nhà nghiên cứu về pháp luật thị trường, pháp luật hợp đồng, đại diện nhà tài trợ dự án RCV, đại diện một số doanh nghiệp…

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho biết, song hành với quá trình soạn thảo và sự ra đời của Hiến pháp 2013, Quốc hội đã và đang sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật về kinh tế để phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta. Việc Quốc hội ban hành Luật đất đai 2013, Luật doanh nghiệp 2014, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh 2014… kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho quá trình cải cách thể chế kinh tế trong lâu dài và có tác động lớn đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển nền kinh tế thị trường.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh, để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, việc nghiên cứu thể chế pháp luật kinh tế các nước trên thế giới là cần thiết và bổ ích. Xuất phát từ nhu cầu đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã thực hiện công trình nghiên cứu về thể chế pháp luật kinh tế của một số nước trên thế giới trong suốt hai năm, từ năm 2014 đến năm 2015. Sáu quốc gia được lựa chọn nghiên cứu là: Hoa Kỳ, Úc, Đức, Hàn Quốc, Malaysia, Cộng hòa Liên bang Nga. Trong quá trình nghiên cứu, đối với thể chế pháp luật kinh tế của mối quốc gia, những điều luật điều chỉnh về chế độ sở hữu, về pháp luật hợp đồng, về quản lý, điều tiết nền kinh tế, về phát triển các loại thị trường được các nhà nghiên cứu Việt Nam đặc biệt quan tâm làm rõ.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, quan niệm về pháp luật kinh tế của các quốc gia bao gồm những quy định liên quan đến việc điều chỉnh các quan hệ kinh tế gắn liền với sản xuất của các chủ thể kinh doanh và liên quan đến chức năng quản lý kinh tế của nhà nước với tư cách là chủ thể của quyền lực công cộng. Tuy nhiên, trong từng cấu thành của thể chế, các quốc gia lại có sự đa dạng trong cách thức tiếp cận. Trong đó, ngoài nguồn văn bản thành văn đồ sộ về các chế định pháp luật kinh tế còn có các văn bản bất thành văn đó là nguồn tập quán, án lệ đồ sộ đã được thừa nhận. Sự linh hoạt trong cách thức tiếp cận luật thành văn và luật bất thành văn đã tạo nên sự hoàn chỉnh và phong phú trong thể chế về pháp luật kinh tế của các quốc gia đó.

Thảo luận tại buổi tọa đàm, đa số các đại biểu cho rằng, việc nghiên cứu thể chế pháp luật kinh tế của một số nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ đó lựa chọn ra chính sách sách phù hợp cho Việt Nam là hoàn toàn hữu ích. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hệ thống pháp luật các nước ngày càng tiệm cận với nhau hơn, do đó không có câu trả lời tuyệt đối về việc lựa chọn pháp luật theo hình mẫu quốc gia nào mà thể chế kinh tế của Việt Nam phải phù hợp với chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, trình độ phát triển dân trí của Việt Nam.

Trên cơ sở nghiên cứu về thể chế pháp luật kinh tế của một số nước tại buổi tọa đàm về chế độ sở hữu, một số đại biểu đưa ra đề xuất, để hoàn thiện thể chế kinh tế pháp luật về sở hữu ở Việt Nam thì chỉ nên duy trì chế độ sở hữu toàn dân đối với một số nguồn tài nguyên theo quy định của Hiến pháp 2013, nên thực hiện đa sở hữu đối với các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, các đại biểu để nghị nghiên cứu xây dựng Luật về cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo hướng doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu; cần tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị…

Về phát triển các loại thị trường, một số đại biểu cho rằng, với đặc điểm thực tế về thì trường ở nước ta, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật thương mại, ban hành mới Luật quản lý ngoại thương và các luật khác liên quan đến thị trường hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, theo nhận định của một số đại biểu, pháp luật về ngân hàng của Việt Nam vẫn chủ yếu là các quy định mang tính chất quản lý nhà nước, thiếu những quy định đặc thù điều chỉnh quan hệ nghĩa vụ giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, nhằm bảo vệ khách hàng vay, nhất là người vay tiêu dùng. Do đó, các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ về vấn đề này trong Bộ luật dân sự và Luật ngân hàng khi điều chỉnh thể chế pháp luật về kinh tế.

Về quản lý, điều tiết nền kinh tế, một số đại biểu cho rằng, so với thể chế pháp luật về kinh tế của một số nước trên thế giới, pháp luật Việt Nam về điều tiết nền kinh tế còn có những chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất. Do đó, cần sửa đổi Luật quy hoạch, Luật cạnh tranh, Luật chứng khoán theo hướng đổi mới tư duy về quy hoạch mang tính đồng bộ trên phạm vi cả nước cũng như trong từng ngành, từng địa phương; tạo thuận lợi và bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường, thành lập cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập, không đặt trong Bộ Công thương như hiện nay.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc chỉ ra rằng, kết của của việc nghiên cứu thể chế pháp luật kinh tế của một số nước trên thế giới có giá trị rất lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế nước ta, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định kinh tế quốc tế và gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phó chủ nhiệm nhấn mạnh, bước vào nền kinh tế hội nhập là chúng ta sẽ phải tuân thủ mọi quy định về “người chơi, sân chơi và luật chơi”. “ Sân chơi” rộng lớn sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, do đó “ người chơi” và “luật chơi” luôn luôn phải cố gắng hoàn thiện một cách tối đa nhất. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Phúc cũng tin rằng, kết quả của việc nghiên cứu về thể chế pháp luật kinh tế của một số nước trên thế giới sẽ là những tài liệu quan trọng giúp cho các vị đại biểu Quốc hội tham khảo trong việc đổi mới thể chế pháp luật về kinh tế ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Kết thúc buổi tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Những ý kiến đóng góp này sẽ được nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện về thể chế pháp luật kinh tế ở Việt Nam. Viện trưởng cũng hi vọng, có một thể chế pháp luật phù hợp, một cơ chế thực thi nghiêm túc, kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua mọi trở ngại trên con đường hội nhập quốc tế.

Tin và ảnh: Hồ Hương