HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT CẠNH TRANH (SỬA ĐỔI)

23/12/2017

Sáng 22/12, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế và Bộ Công thương đã phối hợp tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì Hội thảo.

Hội thảo Lấy ý kiến dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)                                   Ảnh: Báo Công thương

Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XIV vừa qua. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Kinh tế, cơ quan chủ trì thẩm tra và Bộ Công thương, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và các chuyên gia, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật. Đến nay, dự thảo Luật đã được làm rõ thêm một số vấn đề lớn như: phạm vi điều chỉnh; cách thức xử lý các xung đột pháp lý với một số luật hiện hành; mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh… Cụ thể là, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành. Theo đó, không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động, hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam… Tại Hội thảo, một số ý kiến đề nghị làm rõ tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đặc biệt là trong trường hợp chưa có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Liên quan đến quy định về Cơ quan cạnh tranh Quốc gia. Các đại biểu cho rằng, việc tổ chức cơ quan này theo mô hình hành chính - bán tư pháp là rất mới. Tuy nhiên, quy định về cơ quan này trong dự thảo Luật còn nhiều điểm cần bàn. Điều 7 dự thảo Luật không quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia, nhưng trong tất cả các chương khác của dự thảo Luật lại đề cập đến cơ quan này rất nhiều. Việc trao cho cơ quan này quá nhiều quyền như dự thảo Luật thì có phù hợp hay không? Có ý kiến đề nghị, phải xây dựng cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập với bộ chủ quản mới hy vọng bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng. Với cách quy định của dự thảo Luật dễ dẫn đến việc Cục Quản lý cạnh tranh sẽ trở thành cơ quan tố tụng. Đây là vấn đề cần hết sức cân nhắc. Dự thảo Luật cần xây dựng những cơ chế, nguyên tắc cơ bản để bảo đảm tối đa sự vận hành minh bạch và độc lập của cơ quan cạnh tranh quốc gia.

Các đại biểu cũng đã góp ý về một số nội dung và kỹ thuật văn bản của dự thảo Luật, tập trung vào giải thích từ ngữ, chính sách Nhà nước về cạnh tranh, các vấn đề liên quan tới xác định thị trường liên quan và thị phần, các vấn đề liên quan tới hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý Nhà nước.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã phát biểu làm rõ thêm một số băn khoăn của đại biểu. Về mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh quốc gia, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ, từ mô hình hiện nay của các nước trên thế giới có thể thấy, dù cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc cơ quan hành chính – hành pháp hay cơ quan tư pháp thì vẫn phải có vị trí pháp lý và khung cơ chế chính sách đi kèm để bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong điều hành và thực hiện chức năng của cơ quan quản lý về cạnh tranh. Tính độc lập và việc trao đủ thẩm quyền là yêu cầu tiên quyết đảm bảo cho cơ quan cạnh tranh hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của sửa đổi Luật Cạnh tranh lần này. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định về Cơ quan cạnh tranh Quốc gia để đạt được các mục tiêu này.

Kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cảm ơn các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi); khẳng định, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Hoàng Anh/ĐBND