ỦY BAN KINH TẾ HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 5 THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI)

31/03/2022

Sáng 31/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 5 để thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

 

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật có Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Hội Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Kinh tế 

Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi cách làm mới

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo chương trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022) và trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Luật Dầu khi được ban hành khá sớm từ năm 1993, qua các lần sửa đổi năm 2000, 2008 cơ bản đáp ứng được đòi hỏi mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có diễn biến mới đặt ra những vấn đề cần quan tâm xem xét, đòi hỏi sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện cho hoạt động dầu khí tăng trưởng, đóng ngân sách, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, quá trình hội nhập. Bên cạnh đó là những thách thức đan xen trong việc thực hiện điều tra cơ bản, thăm dò, khảo sát, phát triển các mỏ mới khi mà những năm gần đây sản lượng dầu thô giảm, trữ lượng các mỏ hiện hữu giảm sâu. Cùng với khó khăn bất cập như số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh, từ năm 2019 đến nay không có hợp đồng dầu khí nào được ký, bất ổn địa chính trị làm căng thẳng thị trường xăng dầu thế giới,…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khai mạc phiên họp

Từ thực tiễn trên gắn với yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, Quốc hội quyết định đưa dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh bối cảnh mới đòi hỏi có cách nhìn mới, sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường phân cấp phân định trách nhiệm, tăng cường quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Luật Dầu khí được ban hành ngày 06 tháng 7 năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước, sự phát triển của đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trình bày Tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện phát sinh một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được điều chỉnh bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn. Một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật Dầu khí cần được quy định trong Luật Dầu khí để nâng cao hiệu lực thi hành và đảm bảo tính đồng bộ như quy định về nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí mới; các bước thực hiện dự án dầu khí

Ngoài ra, nhiều Luật mới đã được ban hành, tác động tới nội dung, kết cấu của Luật Dầu khí và các hoạt động của ngành dầu khí như: Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Quy hoạch...đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí để bảo đảm đồng bộ, thống nhất

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp

Tập trung sửa đổi, hoàn thiện 6 nhóm chính sách

Nhấn mạnh sự cần thiết, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Việc xây dựng Luật cũng đảm bảo mục tiêu đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, bảo vệ khai thác hiệu quả tài nguyên, tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ.

Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 Chương, 56 điều kế thừa các điều khoản cơ bản của của Luật dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các Hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết (đang có hiệu lực).

Nội dung của dự án luật tập trung quy định những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí với 6 nhóm chính sách. Một là về bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí. Hai là, quy định về điều tra cơ bản quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý. Ba là, quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí. Bốn là, quy định các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí. Năm là, quy định công tác kế toán, quyết toán, kiểm toán và xử lý chi phí hoạt động dầu khí. Sáu là, quy định khung cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Cường lưu ý đến tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, sự hài hòa của Luật Dầu khí với các luật liên quan và các thông lệ quốc tế

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí đồng thời đánh giá hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, chất lượng bảo đảm các yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phân cấp, phân quyền rõ ràng gắn với trách nhiệm cụ thể

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật, sự phù hợp tương thích của các quy định trong Luật Dầu khí với các luật khác và với thông lệ quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Cường nêu rõ, Luật Dầu khí liên quan đến rất nhiều luật chuyên ngành khác như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các luật thuế hay Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính…đòi hỏi tiếp tục rà soát để bảo đảm đồng bộ, thồng nhất.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nhấn mạnh các nội dung mang tính đặc thù của lĩnh vực dầu khí cần được thể hiện đầy đủ, rõ ràng trong luật

Liên quan đến quy định về phê duyệt hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Cường cho rằng luật cần quy định theo hướng phân định rõ thẩm quyền. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan cho rằng có những nội dung phân cấp cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) điều chỉnh, phê duyệt kế hoạch khai thác mỏ dầu khí, thu dọn công trình dầu khí… nhưng cũng có nội dung nên để Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc phải trình Quốc hội xem xét bởi lĩnh vực dầu khí còn liên quan đến chiến lược phát triển, an ninh năng lượng, quốc phòng an ninh. Do đó cần xác định phạm vi phân cấp rõ ràng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lưu ý đến tính đặc thù của hoạt động dầu khí. Do đó cần quy định đầy đủ, cụ thể chi tiết những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí bảo đảm tính khả thi, hiệu quả thi hành, khắc phục triệt để những vướng mắc hiện nay. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, giải quyết tranh chấp; pháp luật thuế; rà soát điều khoản chuyển tiếp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận các ý kiến trách nhiệm tâm huyết của các đại biểu và các ý kiến giải trình báo cáo làm rõ của các bên liên quan về các vấn đề đại biểu quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí, ủng hộ định hướng bảo đảm tính đặc thù trong hoạt động dầu khí và đánh giá cao chất lượng hồ sơ dự án Luật và khẳng định dự án Luật đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý quy định về áp dụng pháp luật quy định tại Điều 4 dự thảo Luật, theo đó xem xét xử lý đặc thù trong lĩnh vực dầu khí như thế nào để bảo đảm tính thống nhất hệ thống pháp luật, hài hòa thông lệ quốc tế; cần đầu tư nghiên cứu quy định rõ những đặc thù trong luật. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Ban soạn thảo, PVN có báo cáo làm rõ nội dung về quản lý nhà nước đối với PVN và quản lý tài sản nhà nước tại PVN, đề nghị báo cáo làm rõ thuyết phục đại biểu việc xác lập mô hình PVN; rà soát các quy định đối với PVN bảo đảm nguyên tắc giao quyền, phân cấp, ủy quyền gắn với trách nhiệm khắc phục tiêu cực thời gian qua. Cùng với đó, rà soát để quy định rõ các nội dung về đấu thầu, dự án dầu khí triển khai theo chuỗi, cơ chế chính sách khai thác tận thu...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp

Đánh giá cao Ban soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan lưu ý nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt hợp đồng dầu khí gắn với trách nhiệm 

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thành Trung góp ý về các quy định liên quan đến PVN và các quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và cho rằng các quy định này ngoài những nội dung đặc thù của dầu khí thể hiện trong luật này, đối với những nội dung khác cần dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung nhấn mạnh việc bảo đảm sự tương thích với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế của dự án luật

Đại diện Hội Dầu khí Việt Nam bày tỏ nhất trí cao với dự thảo Luật và cho biết trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của Hội Dầu khí Việt Nam đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát để có các quy định cụ thể hơn nhất là những vấn đề vướng mắc trên thực tiễn thực hiện các hợp đồng dầu khí

Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết từ năm 2019 đến nay không phát sinh thêm hợp đồng dầu khí nào mới  điều này cho thấy các ưu đãi trong lĩnh vực này đang kém hấp dẫn cần rà soát để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, đồng thời tạo thuận lợi trong việc thực hiện các hợp đồng.

Đại diện PVN làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm 

Bảo Yến - Phạm Thắng