Toàn cảnh phiên họp
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến không thuận, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo giảm so với năm 2018; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế nhiều biến động…
Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, chúng ta đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Kinh tế vĩ mô ổn định, quy mô nền kinh tế được mở rộng, tăng trưởng và năng suất lao động đạt khá, chất lượng tăng trưởng duy trì đà cải thiện. Cơ cấu lại nền kinh tế dần đi vào thực chất, đúng hướng; trong bối cảnh khó khăn chung, các ngành, các lĩnh vực vẫn phát triển ổn định, tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở mức cao, vốn đăng ký tăng mạnh. Bên cạnh đó, khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến. Cải cách hành chính, tư pháp và phòng chống, tham nhũng được đẩy mạnh. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết, trong năm 2020, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo. Giai đoạn này, nước ta tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng chống, tham nhũng, lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên họp
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu cũng chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế trong phát triển KTXH năm 2019. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh cho rằng, kinh tế vĩ mô nước ta ổn định nhưng chưa thật vững chắc, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng trước tác động của kinh tế thế giới có những biến động khó lường.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng cũng cho rằng, đầu tư tư nhân tiếp tục cải thiện nhưng đầu tư công gặp khó khăn, tiến độ thực hiện giải ngân rất chậm và chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương. Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân do đâu và nó có tác động đến phát triển nền kinh tế của nước ta như thế nào. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần tìm ra động lực, trụ cột tăng trưởng kinh tế thời gian qua là gì để đánh giá tính bền vững, tăng sự tin tưởng của người dân và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung vào Báo cáo nội dung về tình hình ngập lụt nghiêm trọng đã xảy ra tại một số địa phương để Quốc hội thảo luận, cả đất nước có tiếng nói, chung tay khắc phục, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tê Vũ Hồng Thanh phát biểu
Một số ý kiến cũng cho rằng, kết quả phát triển KTXH trên nhiều mặt vẫn chưa xứng với tiềm năng; trình độ khoa học, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế còn thấp; cơ cấu lại và phát triển các ngành lĩnh vực kinh tế tuy có chuyển biến nhưng một số nơi còn lũng túng, chưa đạt kỳ vọng; quản lý nhà nước về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật còn nhiều bất cập; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp; kết hợp giữa phát triển KTXH với đảm bảo quốc phòng an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn chưa thật đồng bộ, chặt chẽ…
Bàn về các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư; rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư…
Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tê Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đã đưa ra tại phiên họp. Đây là những thông tin, cơ sở hữu ích để cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện Báo cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các vấn đề các đại biểu nêu tại phiên họp./.