UỶ BAN KINH TẾ HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 16

12/03/2021

Sáng ngày 12/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 16 theo hình thức trực tuyến để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết công tác của Ủy ban Kinh tế nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.

Trình bày báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với số liệu đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười. Có 10/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch Quốc hội giao. Trong đó, có thêm 2 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Quốc hội giao gồm: tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7% (số đã báo cáo là khoảng 1%); tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,88% (số đã báo cáo là 4,39%); 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội. Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tốt hơn, tốc độ tăng GDP đạt 2,91%, quy mô kinh tế đạt 271,2 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.779 USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân tăng 3,23% (số đã báo cáo là dưới 4%). Giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt, đã có những chuyển biến tích cực, rõ rệt, đạt 97,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Ba đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 được chú trọng và triển khai tích cực. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thích ứng nhanh trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là trong phòng chống dịch Covid-19 và các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh... Duy trì xếp hạng cao về chỉ số đổi mới sáng tạo, đứng đầu nhóm 29 nước có mức thu nhập trung bình thấp; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN sau Singapore và Malaysia. Cùng với đó, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng trưởng, hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo được từng bước hoàn thiện, tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ. Khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của kinh tế tư nhân tiếp tục được hoàn thiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị các thành viên Ủy ban tập trung đánh giá các khó khăn, thách thức của nền kinh tế, từ đó xem xét, đánh giá các giải pháp được Chính phủ báo cáo. Ông Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý một số vấn đề nổi lên như: trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp rất khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ nhưng lợi nhuận của các ngân hàng vẫn rất cao; tỷ lệ nợ xấu theo số liệu báo cáo cũng rất tích cực, còn dưới 2%, một số ngân hàng thương mại lớn thậm chí tỷ lệ nợ xấu còn dưới 1%; xu hướng vừa qua, dòng tiền đổ vào chứng khoán, bất động sản và vàng... Theo ông, cần phân tích, làm rõ những yếu tố này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế trong thời gian tới? Và cần có những điều chỉnh như thế nào về mặt chính sách, điều hành vĩ mô?...

Các thành viên Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thành công, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hết sức khó khăn của năm 2020; không chỉ giữ vững nền kinh tế mà còn đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, củng cố niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, được bạn bè quốc tế đánh giá là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, với việc giải ngân đầu tư công đạt tới 97,46% kế hoạch, theo các thành viên Ủy ban Kinh tế, kết quả này đã thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.

Toàn cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về sự phát triển chưa bền vững của nền kinh tế trong một số lĩnh vực và kiến nghị, cần tiếp tục có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để nâng cao sức cạnh tranh, tự chủ của nền kinh tế.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Kinh tế cũng đã thảo luận về việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thích ứng nhanh trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là trong phòng chống dịch Covid-19; việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…/.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)