ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ LUẬT TẠI BÌNH DƯƠNG

25/02/2019

Ngày 25/02, Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Bình Dương về thực hiện một số quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Báo cáo với Đoàn, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu thực thi hành, tổ chức và hoạt động của chính quyền các cấp tại địa phương đã dần đi vào ổn định, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; cơ bản đáp ứng được các yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo quy định của Luật và các văn bản có liên quan. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật còn một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, Luật quy định tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện và Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, huyện hoạt động chuyên trách là chưa phù hợp, gây khó khăn bởi địa phương vừa phải thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, vừa phải tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các cấp, địa phương gần giống nhau, trong khi lại áp dụng cho các đơn vị hành chính – lãnh thổ rất khác nhau (miền núi, hải đảo…) nên gây khó cho hoạt động, chưa phát huy được thế mạnh của từng địa phương.

Toàn cảnh buổi làm việc của Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội với tỉnh Bình Dương

Đối với thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Bình Dương nhận thấy Luật có phạm vi điều chỉnh khá rộng, đội ngũ cán bộ, công chức hiện không chỉ làm việc trong các cơ quan nhà nước mà còn trong các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác. Các chế độ, chính sách còn thiếu đồng bộ, thống nhất, như chế độ tiền lương có ngành khoán theo nguồn thu, có ngành thì phụ cấp đặc thù dẫn đến sự thiếu công bằng… Việc thực hiện Luật Viên chức, công tác tuyển dụng hiện nay chủ yếu được thực hiện theo hình thức xét tuyển thông qua tính kết quả học tập. Tuy nhiên, các tính điểm học tập, điểm tốt nghiệp hoặc điểm đào tạo theo tín chỉ ở các cơ sở đào tạo chưa thống nhất, chất lượng không đều…

Bình Dương kiến nghị sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng: bổ sung quy định thành lập Tổ đại biểu HĐND ở xã, phường, thị trấn; ban hành cơ chế đặc thù về quản lý biên chế đối với các địa phương có tốc độ dân số tăng nhanh, dân nhập cư đông nhằm giảm áp lực về quy mô trường, lớp, tỷ lệ bác sỹ/số dân và quy mô giường bệnh để các địa phương thực hiện tốt công tác giáo dục đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đối với Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bình Dương đề nghị tăng cường phấp cấp thẩm quyền quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức cho địa phương; ban hành bảng mô tả vị trí việc làm trong phạm vi cả nước, trước hết là khối hành chính, bảo đảm phù hợp từng ngành, địa phương; xem xét quy định mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm cuộc sống cho người hưởng lương…

Ghi nhận ý kiến của địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, sẽ tổng hợp, nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện các dự án Luật trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện phát triển phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng địa phương.

+ Cùng ngày, Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật đã khảo sát tại thị xã Dĩ An, Bình Dương.

(Theo Báo Bình Dương)

Các bài viết khác