ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

29/09/2021

Chiều 29/9, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể 

Tham dự phiên họp có: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách, các thành viên của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, sở hữu trí tuệ (SHTT) là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Trải qua 16 năm thi hành từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này. Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Điều này đã được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt 

Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay với việc Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế hướng đến việc nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Những cam kết quốc tế này đòi hỏi việc nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.

Về nội dung dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 02 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm chính sách: (1) Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; (2) Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước; (3) Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; (4) Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; (5) Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; (6) Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; (7) Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra 02 vấn đề cần xin ý kiến: Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi Luật với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm theo yêu cầu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về tính tương thích với các cam kết quốc tế, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã đáp ứng các cam kết quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát kỹ thêm một số nội dung: Về chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu được bảo hộ đã trở thành tên gọi thông thường; Về thực hiện cơ chế đầy đủ và hiệu quả để đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì việc giảm thời hạn bảo hộ hữu hiệu của bằng sáng chế do sự chậm trễ bất hợp lý trong việc cấp phép lưu hành; Quy định trở về trước;…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cũng nêu rõ quan điểm của Ủy ban đối với các vấn đề Chính phủ xin ý kiến. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ một số nội dung liên quan đến: Quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; về tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng; về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài; về văn bằng bảo hộ;…

Đối với một số vấn đề khác, Ủy ban Pháp luật đề nghị, về văn phong, kỹ thuật lập pháp cần được tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện. Đồng thời, tiếp tục rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật và các quy định không được sửa đổi, bổ sung trong Luật hiện hành.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và các nội dung cơ bản tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Đối với vấn đề quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đa số ý kiến đại biểu tán thành với phương án 1 về việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa, thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị cần làm rõ “cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả” để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Một số ý kiến khác, đề nghị nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, một số đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan; khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký, sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu tham dự theo hình thức trực tuyến từ các điểm cầu

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đa số ý kiến tán thành phương án 2 giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc thu hẹp phạm vi các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này bị xử lý bằng biện pháp hành chính với lý do đây là quan hệ dân sự như nêu trong Tờ trình là chưa thuyết phục cả về cơ sở lý luận và thực tiễn. Đồng thời, việc loại bỏ biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,…sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật và sẽ tạo thách thức không nhỏ cho hệ thống tòa án và đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến ủng hộ phương án 1 theo hướng, không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm. Chỉ áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng. Tuy nhiên, nếu sử dụng phương án này, Chính phủ cần có đánh giá kỹ lưỡng tác động; đồng thời phải có lập luận sắc bén, hợp lý hơn về vấn đề này; áp dụng cũng cần phải có lộ trình phù hợp với thực tiễn;...

Đồng tình dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số vấn đề cụ thể trong quy định về sở hữu công nghiệp; về quyền tác giả, quyền liên quan; về tính mới của giống cây trồng; trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian;… Bên cạnh đó, lưu ý cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát đưa vào Luật các quy định đã ổn định, được kiểm nghiệm trển thực tế để nâng cao tính cụ thể, khả thi của Luật.

Cũng tại phiên thẩm tra, đại diện bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có phần báo cáo, giải trình làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm. Đồng thời, cam kết sẽ có văn bản chính thức đối với những vấn đề thuộc phạm vi của cơ quan gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, đây là dự án luật lớn, chuyên môn sâu, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu tiếp thu và hoàn thiện dự án luật đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ nhấn mạnh, quy định này sẽ tạo động lực khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ sở hữu công nghiệp và thúc đẩy thương mại hóa đối tượng quyền sở hữu công nghiệp đó; đồng thời vẫn bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được bảo hộ sở hữu công nghiệp sử dụng ngân sách. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới cũng có quy định tương tự để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đề xuất bảo lưu tiếp tục trình Quốc hội 2 phương án như Tờ trình. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát kỹ lưỡng, tổ chức đánh giá tác động để báo cáo Quốc hội có thêm cơ sở xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Kết thúc nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động tích cực, phiên họp thẩm tra đã hoàn thành toàn bộ nội dung đề ra. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đều đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ dự án luật kỹ lưỡng, công phu của Chính phủ; nhiều vẫn đề đã được ban soạn thời kịp thời tiếp thu, hoàn thiện sau phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đại biểu, tiếp tục làm rõ hơn các cơ sở lý luận, thực tiễn cũng như lập luận đối với các phương án đã đề xuất tại Tờ trình. Đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ các luật chuyên ngành có liên quan nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đảm bảo tính tương thích của dự thảo Luật với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.

Ánh Nguyệt - Minh Hùng