THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT TỔ CHỨC PHIÊN HỌP THẨM TRA SƠ BỘ LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

31/03/2022

Chuẩn bị các nội dung cho Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 31/3, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp của Thường trực Ủy ban để thẩm tra sơ bộ Luật Thanh tra (sửa đổi). Các ý kiến tại phiên họp nhất trí sự cần thiết ban hành Luật; đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá kỹ tác động của những chính sách mới.

 

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có: các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện thanh tra Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông, VCCI cùng một số Bộ, ngành hữu quan.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các Dự án Luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3 theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đã được Quốc hội thông qua. Do đó, Ủy ban tổ chức phiên họp này được nhằm thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) theo Tờ trình số 74 /TTr-CP ngày 15/3/2022 của Chính phủ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, vào ngày 30/3, Viện Nghiên cứu lập pháp cùng Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Pháp luật đã tổ chức Hội thảo lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về các vấn đề lớn đặt ra trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Thanh tra. Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban đã hoàn thiện bước đầu một số ý kiến để chuẩn bị cho phiên họp này.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày Tờ trình

Cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi)

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013; mặt khác, Luật Thanh tra năm 2010 qua quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) dự kiến gồm 08 chương và 116 điều, bao gồm những quy định chung; tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra; thanh tra viên; hoạt động thanh tra; thực hiện kết luận thanh tra; phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra; điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành trình bày báo cáo của Nhóm nghiên cứu

Đưa ra ý kiến thẩm tra sơ bộ, Nhóm Nghiên cứu – Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu rõ, Nhóm nghiên cứu cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến công tác thanh tra, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; khắc phục bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về hồ sơ dự án Luật, Nhóm nghiên cứu nhận thấy, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã tổ chức lấy và tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, thanh tra 63 tỉnh, thành và hoàn thiện dự án Luật báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cụ thể các tài liệu trong Hồ sơ, Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng báo cáo tổng kết còn chưa đánh giá được một cách toàn diện những vụ điểm, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện các quy định của Luật Thanh tra hiện hành để đề xuất nội dung sửa đổi lần này.

Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu cơ bản nhất trí với 05 nhóm quan điểm, nguyên tắc như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, cần phải bổ sung nhấn mạnh quan điểm, nguyên tắc: đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra; Luật quy định về hoạt động thanh tra nhưng mô hình tổ chức phải đặt trong tổng thể để thực hiện nhóm nhiệm vụ khác của Thanh tra (tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng); khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra, góp phần quan trọng để nâng cao hiệu lực của quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Đây là những quan điểm, nguyên tắc xuyên suốt, là kim chỉ nam cho mọi nội dung sửa đổi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa tán thành việc chuyển nội dung thanh tra nhân dân sang dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Tiếp tục đánh giá tác động đối với những chính sách mới

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa và một số đại biểu cho rằng, hoạt động thanh tra nhà nước mang tính quyền lực nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân. Vì vậy, đại biểu tán thành việc chuyển nội dung thanh tra nhân dân sang dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được xây dựng và trình Quốc hội cùng với Dự án Luật thanh tra (sửa đổi).

Bên cạnh đó, các ý kiến thảo luận tại phiên họp cũng cho rằng, Dự án Luật lần này có quy định Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định cơ quan thanh tra hoặc theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thanh tra Tổng cục, Cục chịu sự chỉ đạo, điều hành của Tổng cục trưởng, Cục trưởng và chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ công tác thanh tra của Thanh tra bộ. Tán thành với việc Dự án Luật có quy định về Thanh tra Tổng cục, Cục; tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ hơn về nội dung này để đảm bảo tính khả thi.

Đồng thời, một số ý kiến chỉ ra rằng, nhiều nhóm chính sách đã có sự thay đổi căn bản, do đó, báo cáo đánh giá tác động phải làm rõ lý do tại sao có sự thay đổi nhiều so với đề nghị lập ban đầu; đánh giá tác động đầy đủ đối với những nội dung mới; đảm bảo số liệu phải được cập nhập, chính xác; phải đề xuất phương án, lựa chọn giải pháp tối ưu….

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao những ý kiến thảo luận tâm huyết, sâu sắc, toàn diện của các đại biểu tham dự. Theo đó, các ý kiến đều nhất trí việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra để giải quyết những bất cập, hạn chế; đổi mới tổ chức, tăng cường hiệu quả hoạt động.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, hồ sơ Dự án Luật chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu; tuy nhiên, sau khi Ủy ban Thường vụ cho ý kiến, đề nghị cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện báo cáo tổng kết nhằm phản ánh đầy đủ, khách quan, sát thực tiễn; rà soát các nội dung sửa đổi để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; đảm bảo các kiến nghị, giải pháp đề xuất phải khả thi, giàu sức thuyết phục.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp của Thường trực Ủy ban thẩm tra sơ bộ Luật Thanh tra (sửa đổi)

Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn đề nghị cần quy định cụ thể, chi tiết một số nội dung để tránh chồng chéo trong chức năng thanh tra, công khai kế hoạch thanh tra

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà đề nghị cần có báo cáo đánh giá tác động về giới đối với Dự án Luật

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị ứng dụng công nghệ thông tin tích hợp dữ liệu trong hoạt động thanh tra

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị KIm Anh cho rằng, nhiều nhóm chính sách đã có sự thay đổi căn bản, do đó, báo cáo đánh giá tác động phải làm rõ lý do tại sao có sự thay đổi nhiều so với đề nghị lập ban đầu

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát các nội dung sửa đổi để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật./.

Hồ Hương- Minh Thành

Các bài viết khác