Toàn cảnh Phiên họp thoàn thể lần thứ 2 của Uỷ ban Pháp luật
Nội luật hóa cam kết tại các điều ước quốc tế về SHTT
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều FTA như FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA, hiệu lực từ 20/12/2015); FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA, hiệu lực từ 05/10/2016), các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA, có hiệu lực từ ngày 01/8/2020), FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA, có hiệu lực từ ngày 01/5/2021).
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trải qua hai lần sửa đổi (năm 2009 và năm 2019) và hai phiên rà soát chính sách của WTO, các quy phạm pháp luật về xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), phát sinh quyền tác giả (QTG), quyền liên quan (QLQ) tự động và ghi nhận QTG, QLQ, bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã tương thích với các điều ước quốc tế đa phương về SHTT như Công ước Paris về Bảo hộ quyền SHCN (Công ước Paris); Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (Công ước Berne); Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (Công ước UPOV); Hiệp định TRIPS và hàng loạt các điều ước quốc tế có liên quan khác mà Việt Nam là thành viên như Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng (Công ước Rome); Công ước Brussels về phân phối tín hiệu mang chương trình mã hóa truyền qua vệ tinh (Công ước Brussels); …
Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt
Các quy định của dự thảo Luật vẫn bảo đảm thi hành các điều ước quốc tế nêu trên, đồng thời để thực thi các FTA mà Việt Nam tham gia gần đây như VKFTA năm 2015; VN-EAEU FTA năm 2015; CPTPP năm 2018; EVFTA năm 2019; UKVFTA năm 2020 cũng như để phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) hoặc đang hoàn thiện hồ sơ để gia nhập như Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT); Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT) và Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố (Hiệp ước Marrakesh).
Rà soát, chỉnh lý một số nội dung
Thẩm tra nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, về cơ bản các nội dung của dự thảo Luật đã đáp ứng các cam kết quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật vẫn cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý cho phù hợp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương
Đối với quy định về việc chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu được bảo hộ đã trở thành tên gọi thông thường: Điểm i khoản 1 Điều 95 của Luật Sở hữu trí tuệ được bổ sung quy định về việc văn bằng bảo hộ bị chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực trong trường hợp: “Nhãn hiệu được bảo hộ đã trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó”. Theo quy định này, nếu nhãn hiệu đã trở thành tên gọi thông thường thì sẽ không được tiếp tục bảo hộ, không phụ thuộc vào việc nhãn hiệu đó trở thành tên gọi thông thường vì lý do gì.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 12.22 Hiệp định EVFTA thì “Một Bên có thể quy định rằng nhãn hiệu có thể bị đình chỉ, nếu sau ngày đăng ký, do hậu quả của các hành động hoặc không hành động của chủ sở hữu, nhãn hiệu trở thành tên gọi chung của sản phẩm hoặc dịch vụ mà nhãn hiệu đó đã đăng ký”. Như vậy, theo cam kết này, việc đình chỉ hiệu lực của nhãn hiệu chỉ áp dụng nếu việc nhãn hiệu trở thành tên gọi hcung (hoặc tên gọi thông thường – như dự thảo Luật quy định) của hàng hóa, dịch vụ do chủ sở hữu nhãn hiệu hành động hoặc không hành động. Đối chiếu với quy định của Hiệp định EVFTA, quy định tại dự thảo Luật đã mở rộng các trường hợp chấm dứt bảo hộ nhãn hiệu đã trở thành tên gọi thông thường, do đó có thể gây thiệt hại cho chủ nhãn hiệu và chưa thực sự tương thích với cam kết. Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu chỉnh lý nội dung này cho phù hợp.
Về thực hiện cơ chế đầy đủ và hiệu quả để đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì việc giảm thời hạn bảo hộ hữu hiệu của bằng sáng chế do sự chậm trễ bất hợp lý trong việc cấp phép lưu hành: Để thực hiện yêu cầu nêu trên quy định tại Hiệp định EVFTA, khoản 62 Điều 1 của dự thảo Luật bổ sung Điều 131a quy định “Thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm bị xem là chậm nếu kết thúc 02 năm kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký lưu hành mà cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm không có văn bản phản hồi lần đầu đối với hồ sơ mà không có lý do chính đáng”. Dự thảo Luật không quy định rõ thế nào là “lý do chính đáng” do đó, có thể dẫn đến cách hiểu nếu chậm 02 năm nhưng có lý do chính đáng thì sẽ không bị coi là chậm (bất kể lý do đó là xuất phát từ nguyên nhân gì và thuộc về chủ thể nào).
Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến
Tuy nhiên, theo chú thích số 60 tại Điều 12.40 của Hiệp định EVFTA thì không tính vào thời gian chậm 02 năm này đối với phần thời gian chậm do lỗi của người nộp đơn hoặc do nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền (lý do nằm ở phía cơ quan có thẩm quyền nhưng xuất phát từ nguyên nhân khách quan mà cơ quan này không thể làm khác được). Như vậy, các trường hợp không được đền bù trong Hiệp định EVFTA đã rõ ràng, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ lý do chính đáng tương thích với Hiệp định EVFTA ngay trong Điều này để bảo đảm minh bạch và thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Về hiệu lực thi hành (Điều 4 của dự thảo Luật): Bên cạnh vấn đề nội dung, các cam kết về SHTT trong Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA có yêu cầu về thời điểm thực hiện, theo đó, đối với các cam kết được nội luật hóa trong lần sửa đổi Luật SHTT này đối với Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 (trừ các trường hợp có bảo lưu), đối với Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực từ ngày 14/01/2022.
Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Điều 4 của dự thảo Luật mới xác định 02 trường hợp có hiệu lực xác định riêng (theo mốc thời gian phù hợp với cam kết tương ứng, gồm quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh và bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm). Ngoài ra, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 và để thi hành các kết cảu Hiệp định này, Điều 2 của Nghị quyết số 102/2020/QH14 phê chuẩn Hiệp định EVFTA quy định “áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 2” (liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý) và “áp dụng các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 3 kèm theo Nghị quyết này cho đến ngày Luật SHTT số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành” (về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghệp, cơ chế đền bù sáng chế). Tuy nhiên, ngoài các nội dung nêu trên, trong dự thảo Luật còn nội luật hóa một số cam kết quốc tế khác trong các Hiệp định CPTPP và EVFTA, cần phải được tiếp tục rà soát về thời điểm có hiệu lực để bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung Phiên họp
Thảo luận về nội dung này, đa số ý kiến phát biểu đều đồng tình với quan điểm thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT có nhiều nội dung nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế có liên quan. Vì vậy, cần được rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện đảm bảo tính logic, chặt chẽ.
Nhấn mạnh một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT lần này là luật hóa đầy đủ các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA,… Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, thấu đáo một số nội dung còn chưa phù hợp nhằm đảm bảo tính tương thích; đảm bảo minh bạch và thuận lợi trong triển khai thực hiện./.