ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA BÁO CÁO CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO NĂM 2021

30/09/2021

Chiều ngày 30/9, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể thứ 2, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra Báo cáo Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

 

Toàn cảnh Phiên họp 

Tham dự phiên họp có: Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan, Văn phòng Chính phủ cùng các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách, các thành viên của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020

Báo cáo tại phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra nhưng các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự và thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quy định của pháp luật và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về công tác tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo các bộ quan tâm rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.

Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành trung ương và địa phương tích cực triển khai, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng giảm, trong đó nhiều chỉ tiêu cơ bản về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo giảm rõ. Trong đó, công tác tiếp công dân, xử lý đơn có nhiều tiến bộ; Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm; Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy đã tập trung, vào cuộc ngay từ đầu, tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết và tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải quyết của chính quyền cùng cấp.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ những hạn chế còn tồn tại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, có những tồn tại đã chỉ ra trước đó nhưng chưa được khắc phục triệt để, có những tồn tại, hạn chế do ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, như: Việc giải quyết  khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có nhiều sai sót, nhất là cấp cơ sở; một số địa phương chưa tích cực rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; …

Trên cở sở phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã đề xuất nhiều phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022. Trong đó nhấn mạnh, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Thanh tra Chính phủ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân khiếu nại, tố cáo; tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan nganh bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo;…

Báo cáo Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, báo cáo đã phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 của các cơ quan hành chính nhà nước; chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022; đồng thời cung cấp nhiều số liệu cụ thể. Báo cáo đã thể hiện sự quyết tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực, cố gắng của các Bộ ngành, địa phương trong việc khắc phục khó khăn, triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, cách làm linh hoạt nhằm bảo đảm công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thứ, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện kịp thời, đồng bộ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch covid-19 ở nhiều địa phương. Kết quả này đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành

Tuy nhiên, Báo cáo chưa phân tích, đánh giá, làm rõ một số đặc điểm tình hình và kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 so với các năm trước đó; chưa làm rõ trong tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo được nêu thì có bao nhiêu là số vụ việc phát sinh mới trong năm, số vụ việc tồn đọng từ các năm trước, các vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp; chưa đánh giá đầy đủ tác động của những hạn chế, yếu kém trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đến sự ổn định, trật tự, an toàn xã hội; kết quả khắc phục một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đã được chỉ ra trong Báo cáo các năm trước…

Đối với các vấn đề cụ thể, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong Báo cáo của Chính phủ cần tiếp tục làm rõ, bổ sung để có thêm kiến nghị cụ thể nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu đều tán thành với báo cáo của Chính phủ cũng như đánh giá cao báo cáo thẩm tra một cách toàn diện, kỹ lưỡng của Ủy ban Pháp luật. Theo đó, các đại biểu cho rằng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 đã có nhiều chuyển biến tích cực, cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ cùng các cấp, các ngành trong công tác này.

Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung tại báo cáo của Chính phủ, đại biểu Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, tại báo cáo đã nhận định năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn gặp khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19; tình hình khiếu nại, tố cáo dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, có khả năng tăng cao sau khi thực hiện dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, giãn chách xã hội... Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phải chú trọng ứng phó với khó khăn này ngay trong quý IV/2021. Bên cạnh đó, trong các giải pháp nêu tại báo cáo cũng cần đặc biệt chú trọng tới việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật.

Cho ý kiến về giải quyết các vụ việc khiếu nại đông người, kéo dài, đại biểu Phạm Văn Hòa, thành viên Ủy ban Pháp luật, cho rằng cần phân loại, làm rõ số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người mới phát sinh trong năm 2021, số vụ việc từ những năm trước còn tồn tại. Từ đó, có đánh giá cụ thể về nguyên nhân và đưa ra giải pháp phù hợp để sớm khắc phục triệt để tình trạng các vụ việc khiếu nại đông người, kéo dài. Đồng thời, Chính phủ cũng cần giao trách nhiệm xử lý cụ thể cho từng cơ quan, xác định rõ thời hạn giải quyết đối với từng vụ việc.

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị, cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa cơ quan thanh tra và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm rõ các nhóm nguyên nhân để có giải pháp phù hợp; bổ sung đánh giá về việc chấp hành thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 để có cơ sở đánh giá toàn diện hơn công tác này; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là liên quan đến các lĩnh vực phát sinh nhiều khiêu nại, tố cáo như đất đai, xây dựng,…

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành hữu quan đã có phần giải trình làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm. Sau phiên họp, các bộ, ngành có liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ tiếp tục rà soát làm rõ một số nội dung trong báo cáo, đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ và chất lượng của Báo cáo trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2.

Tiếp thu ý kiến góp ý tại phiên thẩm tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, sau phiên thẩm tra, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện Báo cáo đảm bảo đánh giá đúng bản chất, thực tế của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 đã hoàn thành nội dung đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Qua thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến đều tán thành với dự thảo Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, sự cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương mặc dù trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 nhưng đã chủ động, đổi mới, sáng tạo, có cách làm linh hoạt, phù hợp để công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện thông suốt. Kết quả này đã góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước, các địa phương, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là phục vụ tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp (2021-2026).

Nhấn mạnh, Báo cáo của Chính phủ đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, cơ quan soạn thảo trên tinh thần nội dung thẩm tra, các ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện một số nội dung cụ thể tại Báo cáo. Trong đó, chú trọng, vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu về giải quyết khiếu nại, tố cáo, có sự kết nối đồng bộ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đảm bảo tốt nhất cho hiệu quả của công tác này thời gian tới. Ngoài ra, đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực được giao phụ trách.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.

Lê Anh - Minh Thành