Hạn chế ủy quyền cho cấp phó trả lời chất vấn

21/10/2015

Chiều 21/10, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, về cơ bản các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Đồng thời, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Hội nghị đại biểu chuyên trách và ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung như: đối tượng áp dụng; nguyên tắc giám sát; thẩm quyền giám sát của Quốc hội, thẩm quyền giám sát của Hội đồng nhân dân; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; tham gia giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề; lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm; xem xét kết quả giám sát…

Đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu tại Hội trường                                                                  Ảnh: Đình Nam

Liên quan đến hoạt động chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn, đại biểu Huỳnh Nghĩa- Đà Nẵng cho biết, điều 49 Luật tổ chức Quốc hội và điều 41 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hiện hành quy định những đối tượng chịu sự chất vấn là các chức danh cụ thể liên quan đến con người cụ thể. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không bắt buộc chức danh bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn cũng không cấm việc ủy quyền trả lời chất vấn. Do đó, thực tế các kỳ họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân có nhiều đại biểu chất vấn Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, nhưng người trả lời chất vấn thường là Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân.  

Nhận thấy, dự thảo Luật hoạt động giám sát mới cũng không điều chỉnh vấn đề này, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ các chức danh bị chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; chất vấn chức danh nào thì chức danh đó phải trực tiếp trả lời.

Tán thành quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền- Lâm Đồng chia sẻ, thực tiễn tham gia một số phiên họp Hội đồng nhân dân, chất vấn các sở ngành, giám đốc các sở vẫn tham dự phiên họp nhưng cấp phó lại lên trả lời chất vấn như vậy là vô lý. Do đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng cần phải quy định cấp trưởng phải trả lời chất vấn trực tiếp, khi vắng mặt có lý do có thể ủy quyền cho cấp phó.

Nhằm bảo đảm tính thời sự, thể hiện tính công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả tích cực từ dư luận xã hội, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị quy định bổ sung nội dung "các phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được truyền hình trực tiếp, chất vấn tại Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã được truyền thanh trực tiếp". Theo đại biểu Nghĩa, như vậy sẽ tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động của Hội đồng nhân dân, tạo điều kiện để cử tri theo dõi, giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc phát biểu tại Hội trường

Bày tỏ nhất trí cao với việc bổ sung quy định hai hình thức giám sát của Hội đồng nhân dân là chất vấn và giải trình của Thường thực Hội đồng nhân dân, nhằm nâng cao hiệu quả chất vấn, đại biểu Huỳnh Nghĩa kiến nghị thêm, luật cần quy định rõ hình thức văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân đối với những vấn đề đã chất vấn cũng như phát thanh, truyền hình trực tiếp việc giải trình, chất vấn của Thường trực Hội đồng nhân dân tương tự quy định đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, đại biểu Đặng Thị Kim Chi- Phú Yên cho rằng, quy định về chất vấn ở Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đều chất vấn theo nhóm vấn đề là không phù hợp bởi hoạt động của các cơ quan chính quyền ở tỉnh, ở huyện hẹp hơn ở các bộ, ngành.

Việc chọn vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn được căn cứ chương trình kỳ họp, phiên họp, ý kiến kiến nghị của cử tri,  vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc- Bình Thuận dự thảo luật cũng cần xem xét đến việc quy định trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, nếu không có sự thống nhất chung về nhóm vấn đề chất vấn thì có thể yêu cầu thành lập đoàn giám sát để làm rõ vấn đề chất vấn.

Bảo Yến