Dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật này.
Nhiều ý kiến đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp đã được tiếp thu chỉnh lý và thể hiện trong dự thảo; những nội dung chưa tiếp thu hoặc còn có ý kiến khác nhau đã được tổng hợp, giải trình.
Ủy ban Pháp luật nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật dân sự đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến Nhân dân, các cơ quan, tổ chức, các ngành, các cấp.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, Bộ luật dân sự giữ một vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, mỗi một điều, khoản của Bộ luật dân sự được sửa đổi đều có ảnh hưởng trực tiếp đến các quan hệ xã hội. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ bất cứ một quy định nào cũng cần phải được cân nhắc thận trọng, nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng.
Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự , Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi Bộ luật dân sự cần phải tiếp tục tăng cường các cơ chế, biện pháp để bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của các quy định này, đặc biệt là quy định tại khoản 2 Điều 14 dự thảo Bộ luật về “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định trong dự thảo Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự làm căn cứ Thẩm phán giải quyết phù hợp với quy định của Hiến pháp là khi xét xử Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xác định cụ thể những trường hợp được áp dụng án lệ, tập quán và áp dụng tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử. Nếu chỉ quy định chung chung như trong dự thảo thì sẽ khó bảo đảm khách quan, công bằng cho tất cả các đương sự tham gia vào quá trình tố tụng.
Về quyền nhân thân, Ủy ban Pháp luật tán thành Bộ luật dân sự cần phát triển các quy định mang tính nguyên tắc chung về quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận.
Về nội dung cụ thể của các quyền này, Ủy ban thẩm tra tán thành với quy định hạn chế việc đặt tên tại đoạn thứ nhất khoản 3 Điều 26: “Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự” vì quy định như vậy là phù hợp với Hiến pháp.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định tại đoạn thứ 2 khoản 3 Điều 26 “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” vì cho rằng quy định hạn chế về cách đặt tên, độ dài của tên là không cần thiết.
Ngoài ra, theo Ủy ban Pháp luật, các điều quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình tại Điều 32 và Điều 37 cần được làm rõ hơn nữa về nội hàm của từng loại quyền; trên cơ sở đó mới có thể phân định mức độ xâm phạm đến các quyền nhân thân này như thế nào thì phải áp dụng các chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự để bảo vệ quyền của cá nhân và gia đình.
Về hình thức sở hữu, Ủy ban Pháp luật tán thành với dự thảo và cho rằng, bên cạnh sở hữu riêng, sở hữu chung thì cần ghi nhận sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu độc lập để phù hợp với Hiến pháp và tính chất quan trọng của hình thức sở hữu này trong quan hệ dân sự. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong việc quản lý, sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong quan hệ dân sự.
Về vấn đề bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu quy định tại Điều 133: Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng quyền sở hữu, vật quyền khác đối với tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, nếu chỉ chú trọng bảo vệ người thứ ba ngay tình thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu tài sản, đặc biệt trong điều kiện hệ thống pháp luật về đăng ký tài sản hiện nay chưa thực sự hoàn thiện, đồng bộ thì việc căn cứ vào sự kiện quyền sở hữu và vật quyền khác đối với tài sản đã được đăng ký để bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình có thể dẫn đến những khó khăn, bất cập trong thực tiễn.
Hơn nữa, trong nội dung của quy định có hai giao dịch, nếu giao dịch thứ nhất đã vô hiệu, thì dù quyền sở hữu, vật quyền khác đối với tài sản có được đăng ký hay không thì giao dịch tiếp theo đó với người thứ ba cũng không thể được bảo vệ. Việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người thứ ba ngay tình phải bằng cơ chế hoàn trả giá trị thanh toán tài sản hoặc bồi thường thiệt hại. Quy định như dự thảo là không rõ ràng, không khả thi, do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị bỏ quy định này.
Ngoài các vấn đề nêu trên, Ủy ban Pháp luật cũng đã góp ý vào nhiều điều, khoản cụ thể trong dự thảo Bộ luật dân sự như: một số vấn đề về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (Điều 3), về thời hiệu (Điều 152) và thời hiệu thừa kế (Điều 639), về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản (Điều 483)... đã được Ban soạn thảo tiếp thu chỉnh lý.
Dự thảo Bộ luật dân sự dự kiến sẽ được thảo luận phiên toàn thể tại hội trường vào ngày 25/6 tới.