Quy định chi tiết về lấy phiếu tín nhiệm trong luật

09/06/2015

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp toàn thể tại hội trường về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là quy định về lấy phiếu tín nhiệm. Qua thảo luận cho thấy còn nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên hay không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục quy trình lấy phiếu tín nhiệm trong luật này.

Đại biểu Triệu Mùi Nái-Hà Giang, đại biểu Lê Đắc Lâm-Bình Thuận bày tỏ quan điểm tán thành với việc chỉ quy định trong dự thảo luật những nội dung cơ bản có tính nguyên tắc về thẩm quyền của Quốc hội và Hội đồng nhân dân về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn. Còn những quy định về quy trình, trình tự, thủ tục, kết quả sẽ được thực hiện theo nghị quyết số 85/2014 của Quốc hội.

Đại biểu Triệu Mùi Nái-Hà Giang                                                                                                 Ảnh: Đình Nam

Trên cơ sở thực tiễn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, nhằm không phải dẫn chiếu nhiều văn bản của Quốc hội và để thực hiện thống nhất trong nhiều năm, đại biểu Lê Văn Tân-Hà Nam đề nghị luật cần quy định rõ 3 nội dung về đối tượng, thời điểm và các mức độ tín nhiệm  

Theo đại biểu Nguyễn Minh Lâm-Long An, quy định về lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo luật có sự trùng lắp các nội dung với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Nội dung lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hoàn toàn giống nội dung quy định tại Điều 12, 13, Luật tổ chức Quốc hội mới được thông qua kỳ họp trước. Tương tự, quy định nội dung lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu cũng hoàn toàn giống như trong dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương. Do đó, quy định như trong dự thảo luật là không cần thiết và không phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Minh Lâm-Long An                                                                                                                  

Trong khi đó, đại biểu Bùi Mạnh Hùng-Bình Phước cho rằng, dự thảo còn thiếu một hoạt động giám sát rất quan trọng là kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng bày tỏ: "Dự thảo còn thiếu hoạt động giám sát rất quan trọng là kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm, bởi vì nếu không có kiến nghị này thì làm sao có 20% số đại biểu kiến nghị về bỏ phiếu tín nhiệm để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm".

Đại biểu Nguyễn Thị Hải-Nghệ An cho rằng, cần thiết phải cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết số 85/2014 của Quốc hội khóa XIII trong luật này. Việc quy định quy trình, thủ tục cụ thể trong luật sẽ đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, tránh tình trạng văn bản, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau; đảm bảo hiệu quả đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thị Hải-Nghệ An                                                                                                                               

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy-Phú Thọ góp ý thêm, nên quy định rõ chi tiết về thời hạn, thời điểm trình tự lấy phiếu tín nhiệm trong dự thảo luật. Việc quy định rõ ràng trong luật bởi đây là dự thảo luật chuyên ngành về hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đồng thời giảm tối đa việc quy định cho các cơ quan khác giải thích quy định chi tiết.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Xuân Thủy cần quy định khi người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 1/2 hoặc trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp, trường hợp này phải tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy - Phú Thọ                                                                                                                        

Góp ý về nội dung của điều khoản về lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Anh Sơn-Nam Định kiến nghị nên lấy phiếu tín nhiệm không chỉ đối với những người giữ các chức vụ do Hội đồng nhân bầu mà nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị là Thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn, không chỉ các Thành viên Ủy ban nhân dân mà các Thủ trưởng các cơ quan của Ủy ban nhân dân cũng phải có trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, trước nhân dân về việc triển khai thực hiện các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Việc đưa quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân vào trong luật là khẳng định hoạt động này là một kênh rất tốt để cho Nhân dân giám sát các cơ quan nhà nước ở địa phương, và để cho Đảng và Nhà nước đánh giá cán bộ, sử dụng cán bộ hợp lý.