THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT THÀNH LẬP THỊ TRẤN CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG VÀ TỈNH HÀ TĨNH

12/07/2018

Chiều 11/07, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng và thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, đồng thời xem xét, quyết định thành lập thị trấn Đồng Lộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp

Báo cáo Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ: Từ những thay đổi về kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa đã và đang đặt ra cho xã Lai Uyên và xã Tân Thành nhiều vấn đề cần giải quyết như: quản lý kinh tế, quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư; phòng chống các tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự công cộng; cảnh quan và bảo vệ môi trường. Vì vậy mô hình quản lý chính quyền nông thôn như hiện nay không còn phù hợp, cần thiết thành lập thị trấn Lai Uyên và thị trấn Tân Thành, tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị. Đồng thời, bảo đảm đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên nói chung và xã Lai Uyên, xã Tân Thành nói riêng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng nêu sự cần thiết thành lập thị trấn Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, các định hướng quy hoạch, phát triển đô thị; phù hợp trình độ quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Tây Nam huyện Can Lộc nói riêng và vùng Tây Bắc tỉnh Hà Tĩnh nói chung; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đồng thời đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và của cấp ủy, chính quyền địa phương.    

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình

Với vị trí đặc biệt và hệ thống giao thông thuận lợi, khu vực xã Đồng Lộc luôn có tiềm năng cho phát triển du lịch, dịch vụ, giao lưu hàng hóa với các xã trong huyện Can Lộc và các huyện xung quanh, đặc biệt có nhiều thuận lợi để phát triển thành đô thị du lịch tâm linh, văn hóa lịch sử cách mạng. Xã Đồng Lộc cũng có nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội: tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao. 

Trình bày báo cáo thẩm tra Đề án của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng và thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định tán thành với sự cần thiết thành lập thị trấn Lai Uyên trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của xã Lai Uyên thuộc huyện Bàu Bàng và thành lập thị trấn Tân Thành trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của xã Tân Thành thuộc huyện Bắc Tân Uyên. Xét tiêu chuẩn thành lập thị trấn thì xã Lai Uyên đạt 4/4 tiêu chuẩn, xã Tân Thành cũng đạt 4/4 tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211. 

Việc thành lập thị trấn Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nhấn mạnh: Xã Đồng Lộc là trung tâm cụm xã miền núi phía Tây Nam của huyện Can Lộc, là đầu mối giao thông của khu vực, có vị trí giao cắt các tuyến đường quan trọng của tỉnh Hà Tĩnh. Trên địa bàn xã Đồng Lộc có di tích Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại vào năm 2013. Trong những năm vừa qua, xã Đồng Lộc đã được đầu tư, phát triển thành một trung tâm kinh tế, văn hoá của vùng Tây Nam huyện Can Lộc, là điểm du lịch tâm linh, địa chỉ đỏ giáo dục văn hóa, lịch sử, đạo đức, truyền thống cách mạng của cả nước. Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa tại xã Đồng Lộc đã dẫn tới yêu cầu phải giải quyết tốt những vấn đề quản lý đô thị, đòi hỏi phải có bộ máy chính quyền đô thị quy mô thị trấn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Do đó, Ủy ban pháp luật thống nhất việc thành lập thị trấn Đồng Lộc là cần thiết, phù hợp với quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến tại phiên họp 

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, việc thành lập thị trấn Lai Uyên huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương; thị trấn Tân Thành huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và việc thành lập thị trấn Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là cần thiết, phù hợp với quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc thành lập 3 thị trấn này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, phát huy vai trò là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.

Sau khi thảo luận, 100% thành viên UBTV Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương trên cơ sở toàn bộ 88,3593 km2 diện tích tự nhiên và 32.028 người của xã Lai Uyên. Thành lập thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương trên cơ sở toàn bộ 26,8821 km2 diện tích tự nhiên và 8.568 người của xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

100% thành viên UBTVQH cũng thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trên cơ sở toàn bộ 18,69 km2 diện tích tự nhiên và 6.076 người của xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi thành lập thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc có 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 02 thị trấn và 21 xã; Tỉnh Hà Tĩnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố; 262 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 229 xã, 21 phường và 12 thị trấn./.

Lê Phương - Nhóm ảnh