Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật, đại diện lãnh đạo các tỉnh có đơn vị hành chính được sắp xếp gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến, cùng đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội và các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 23
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên họp này Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ dành một ngày làm việc để thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Phú Yên trên cơ sở các Tờ trình của Chính phủ về các đề án này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ sớm họp để quyết định các nội dung này nhằm tạo điều kiện cho các địa phương sắp xếp, ổn định bộ máy, hướng tới đại hội Đảng bộ các cấp trong năm 2020.
Trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra đối với các Tờ trình của Chính phủ về các Đề án sắp xếp đôn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Bình Thuận trong giai đoạn 2019-2020.
Trình bày tóm tắt các Tờ trình của Chính phủ về các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, trong giai đoạn 2019-2020, tỉnh Hòa Bình thực hiện nhập huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình; thực hiện sắp xếp 106 đơn vị /210 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 59 đơn vị.
Tỉnh Bắc Giang không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp và thực hiện sắp xếp 40/230 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 21 đơn vị.
Tỉnh Thái Nguyên không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp và thực hiện 04/180 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 02 đơn vị.
Tỉnh Điện Biên thực hiện điều chỉnh địa giới 02/10 đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp 04/130 đôn vị hành chính cấp xã, giảm 01 đơn vị.
Tỉnh Bình Thuận không có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp những đã chủ động thực hiện sắp xếp 06/127 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 03 đơn vị.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Tờ trình của Chính phủ
Ngoài ra, trong từng đề án, Chính phủ và chính quyền địa phương nêu cụ thể phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người họa động không chuyên trách và việc quản lý công sản, bố trí trụ sở làm việc ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp. Các Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, ý kiến của Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao.
Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và các địa phương trong việc xây dựng Đề án để thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính hướng đến tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; đồng thời chia sẻ với những khó khăn của các địa phương trong quá trình thực hiện.
Các đại biểu cho rằng các Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Bên cạnh đó, đề có cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương các tỉnh bổ sung, giải trình, làm rõ một số nội dung. Theo đó, đề nghị Chính phủ và các địa phương bổ sung, giải trình phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ quan thuộc thuộc hệ thống chính trị, các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc tại địa phương như Kho bạc nhà nước, chi cục thuế, hải quan, thống kê, bảo hiểm xã hội…và việc điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ, công chức khi thực hiện sắp xếp. Giải trình thêm về chương trình, kế hoạch đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị sau khi sắp xếp để đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành trao đổi về ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban
Một số đại biểu cũng băn khoăn về việc các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định, việc nhập đơn vị hành chính ở nông thôn vào đơn vị hành chính ở đô thị…và đề nghị Chính phủ, các địa phương có giải trình rõ thêm.
Kết luận nội dung phiên họp buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ và các địa phương có ý kiến giải trình bằng văn bản về các nội dung mà Ủy ban Pháp luật nêu ra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật nhất trí đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cho mỗi tỉnh có một Nghị quyết riêng về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là ngày 01/01/2020 để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian cho công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung làm việc buổi sáng
Về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với các nội dung trình của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thái Nguyên, Bình Thuận, Bắc Giang. Đối với Đề án của tỉnh Hòa Bình, tỉnh Điện Biên đề nghị Chính phủ chỉ đạo địa phương khẩn trường hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về các đề xuất của địa phương bảo đảm đúng quy định của pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra các Tờ trình của Chính phủ về các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Phú Yên./.