HÌNH ẢNH PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 23 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

16/11/2019

Ngày 16/11, Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 23, để thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 của các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Thuận. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản đồng tình với ý kiến của Thường trực Ủy ban về Tờ trình và Đề án về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021. Một số ý kiến băn khoăn khi nhiều đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định, vì khi hình thành đơn vị hành chính mới đã gây xáo trộn hoạt động của chính quyền địa phương, ảnh hưởng đến đời sống người dân, mà vẫn chưa đạt hết các tiêu chí, có nguy cơ phải tiếp tục sắp xếp.

Một số đại biểu cũng lưu ý, Chính phủ và chính quyền địa phương các tỉnh cần quan tâm xử lý bài toán đầu tư nông thôn mới khi tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính, nhất là khi sáp nhập giữa đơn vị đã hoàn thành và chưa hoàn thành. Tại các đơn vị hành chính thành lập mới có tiếp tục ghi nhận kết quả đã thực hiện được hay không? Trách nhiệm thực hiện, biện pháp nào để hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở địa bàn chưa hoàn thành sau khi được sáp nhập?

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

 Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 23, để thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên họp này Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ dành một ngày làm việc để thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Phú Yên trên cơ sở các Tờ trình của Chính phủ về các đề án này.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Tờ trình và Đề án về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021

Trình bày Báo cáo tóm tắt ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật về các đề án nêu trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho rằng, các Đề án đều đã được lấy ý kiến cử tri, của HĐND ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp, với tỷ lệ tán thành cao

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại phiên họp

Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và các địa phương trong việc xây dựng Đề án để thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính hướng đến tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; đồng thời chia sẻ với những khó khăn của các địa phương trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, đề có cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương các tỉnh bổ sung, giải trình, làm rõ một số nội dung như phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ quan thuộc thuộc hệ thống chính trị, các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc tại địa phương như Kho bạc nhà nước, chi cục thuế, hải quan, thống kê, bảo hiểm xã hội…và việc điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ, công chức khi thực hiện sắp xếp. 

Lãnh đạo các địa phương giải trình, làm rõ vấn đề các đại biểu nêu

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ và các địa phương có ý kiến giải trình bằng văn bản về các nội dung mà Ủy ban Pháp luật nêu ra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới.

Trọng Quỳnh