Trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra các Đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của 09 tỉnh: Cao Bằng, Lai Châu, Gia Lai, Tiền Giang, Yên Bái, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Bình Dương và Tây Ninh.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của 09 tỉnh trong việc quán triệt và khân trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính.
Hồ sơ các Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập các Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ. Các Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở các ĐVHC chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao.
Ngày 04/01, Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 25.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về các Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Gia Lai, Tiền Giang, Yên Bái, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Bình Dương và Tây Ninh.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Hà trình bày ý kiến Thường trực Ủy ban về các Đề án nêu trên.
Thảo luận tại phiên họp các đại biểu đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của 09 tỉnh trong việc quán triệt và khân trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC. Sau khi thực hiện sắp xếp tại 09 tỉnh này, đã giảm được tổng số 04 ĐVHC cấp huyện và 60 ĐVHC cấp xã.
Các đại biểu cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của 09 tỉnh như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ, các địa phương giải trình làm rõ một số nội dung như một số trường hợp thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp nhưng đề nghị chưa sắp xếp; phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp; phương án đầu tư, phát triển, bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn của đô thị…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung phát biểu tại phiên họp.
Lãnh đạo các địa phương giải trình, làm rõ một số vấn đề các thành viên Ủy ban Pháp luật quan tâm.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý một số vấn đề đề thực hiện sắp xếp được thống nhất. Một số vấn đề các thành viên Ủy ban Pháp luật đề cập như các đơn vị sau sắp xếp nhưng vẫn chưa đủ tiêu chí diện tích tự nhiên, quy mô dân số thì như thế nào và trong giai đoạn sau có tiến hành sắp xếp nữa không thì chủ trương chung là khuyến khích cho thực hiện.
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, các ý kiến giải trình của lãnh đạo các địa phương, qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật hoan nghênh sự tích cực, nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và chính quyền các tỉnh trong việc chuẩn bị các Đề án, cơ bản thực hiện đúng chủ trương của Trung ương và quy định của pháp luật.
Về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật đồng tình với phương án cho phép giải thể và chấm dứt hoạt động chính quyền địa phương ở 3 xã của huyện đảo Lý Sơn để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 100% thành viên Ủy ban Pháp luật thống nhất cho phép áp dụng quy định đặc thù về tiêu chuẩn quy mô dân số của của Nghị quyết số 1211 để quyết định việc thành lập thành phố Ngã Bảy.