ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA ĐỀ ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ CỦA 06 TỈNH, THÀNH PHỐ

05/02/2020

Chiều ngày 05/02, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 26, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 06 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Tp.Hà Nội, Tp.Cần Thơ và Cao Bằng.

Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 06 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trình bày tóm tắt Tờ trình về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã và thành lập đơn vị hành chính đô thị của các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị thực hiện sắp xếp 47 ĐVHC xã. Trong đó, 33 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp; 03 ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 11 ĐVHC cấp xã liền kề liên quan đến việc sắp xếp. Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp những tỉnh Thái Bình đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 là 06 đơn vị. Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Thái Bình từ 286 đơn vị giảm xuống còn 260 đơn vị (giảm 26 đơn vị).

Theo đề án của tỉnh Lào Cai, Tỉnh Lào Cai có 01 ĐVHC cấp huyện (huyện Si Ma Cai) thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong đợt này. Số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp: 19 đơn vị. Trong đó, số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp: 13 đơn vị; số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp: 02 đơn vị; số lượng ĐVHC cấp xã liền kề có liên quan đến việc sắp xếp: 04 đơn vị.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cũng đề nghị mở rộng thành phố Lào Cai và điều chỉnh ĐGHC cấp xã thuộc thành phố Lào Cai; mở rộng thị trấn Bát Xát thuộc huyện Bát Xát; mở rộng thị trấn Tằng Loỏng thuộc huyện Bảo Thắng; thành lập thị trấn Si Ma Cai thuộc huyện Si Ma Cai.

Theo Đề án của Tp.Hà Nội, số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là: 10 đơn vị. Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng thành phố Hà Nội đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2017 - 2021: 05 đơn vị. Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp xã của thành phố Hà Nội từ 584 đơn vị giảm xuống còn 579 đơn vị (giảm 05 đơn vị).

Theo Đề án của Tp.Cần Thơ, số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là: 03 đơn vị. Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp xã của thành phố Cần Thơ từ 85 đơn vị giảm xuống còn 83 đơn vị (giảm 02 đơn vị).

Theo Đề án của tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hòa có 01 ĐVHC cấp huyện (huyện Khánh Sơn) thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong đợt này. Số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp: 02 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp. Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp những tỉnh Khánh Hòa đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2017 - 2021: 01 đơn vị. Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Khánh Hòa từ 140 đơn vị giảm xuống còn 139 đơn vị (giảm 01 đơn vị).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày tóm tắt Tờ trình về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thành lập đơn vị hành chính đô thị của các tỉnh, thành phố

Về Đề án của tỉnh Cao Bằng, tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua nội dung sắp xếp 02 ĐVHC cấp huyện và 76 ĐVHC cấp xã của tỉnh Cao Bằng. Riêng đối với việc sắp xếp 04 ĐVHC cấp huyện còn lại (nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp thứ 42.

Căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tỉnh ủy Cao Bằng đã có văn bản số báo cáo giải trình để làm rõ thêm các yếu tố đặc thù như truyền thống lịch sử, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và quá trình tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn các huyện thực hiện sắp xếp. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Cao Bằng tiếp tục kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đối với 04 ĐVHC cấp huyện còn lại. Cụ thể: nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên.

Qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh, thành phố Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội, Cần Thơ. Các đại biểu cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của các tỉnh, thành phố.

Đối với đề nghị của tỉnh Cao Bằng, các đại biểu cũng cho rằng cần sớm kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Cao Bằng để sớm ổn định tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở địa phương và kịp triển khai công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh phát biểu tại phiên họp

Trước lo ngại về một số địa phương đề nghị chưa sắp xếp các đơn vị thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh cho rằng các tỉnh cần báo cáo lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính đặc biệt là các đơn vị chưa đạt các tiêu chí; đồng thời cần thực hiện giám sát việc thực hiện Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở các địa phương sau sắp xếp.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Sau khi thảo luận, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định và ra Nghị quyết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 06 tỉnh, thành phố đợt này. Dự kiến thời gian có hiệu lực của các Nghị quyết là từ ngày 01/3/2020.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ và các địa phương tiếp tục hoàn thiện nội dung giải trình như việc đề nghị chưa sắp xếp các ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 và một số ĐVHC sau sắp xếp nhưng vẫn chưa đủ tiêu chí theo quy định… để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, đến thời điểm này, Chính phủ cơ bản hoàn thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (còn duy nhất Tp.Hồ Chí Minh chưa trình Đề án). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận đây là nỗ lực, quyết tâm lớn của Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC; đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, đề cương tổng kết việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện và tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức