ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI HỌP PHIÊN TOÀN THỂ TRỰC TUYẾN LẦN THỨ 3

29/12/2021

Ngày 29/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến lần thứ 3.


Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại kỳ họp bất thường tới đây, Quốc hội sẽ xem xét 4 nội dung gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật); chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; xem xét thông qua Nghị quyết về một số giải pháp tài chính, tiền tệ nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Ủy ban Pháp luật thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung  khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự

Nhằm chuẩn bị nội dung của Kỳ họp bất thường của Quốc hội, phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Pháp luật sẽ thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung  khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật; thẩm tra đề nghị của Chính phủ về việc đưa dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; thảo luận, thông qua Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Pháp luật; thông qua Quy chế làm việc của Ủy ban Pháp luật (sửa đổi); thông qua Kế hoạch công tác năm 2022 của Ủy ban Pháp luật.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Quốc hội sẽ xem xét thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp. Dự án luật này nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý; cụ thể hóa chủ trương đã được đề ra tại các văn kiện của Đảng và nghị quyết của Quốc hội. Luật Nhà ở là một trong 9 Luật được sửa đổi, bổ sung lần này.

Tờ trình của Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23 của Luật Nhà ở theo hướng quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây: có quyền sử dụng đất hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích Quốc phòng, an ninh, thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích Quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, dự thảo Luật bổ sung quy định, sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư (nếu có) sang đất ở và nghĩa vụ đối với tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thảo luận tại phiên họp toàn thể, các thành viên Ủy ban Pháp luật thống nhất quan điểm cần sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23 của Luật Nhà ở nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án xây dựng nhà ở thương mại. Một số ý kiến cho rằng, cùng với quy định của luật, việc hướng dẫn, quy định chi tiết về trình tự, thủ tục bảo đảm sự thống nhất, liên thông giữa các luật có liên quan có vai trò rất quan trọng. Do đó, các đại biểu đề nghị, trong quá trình hướng dẫn, quy định chi tiết quy định của Luật Nhà ở và các quy định có liên quan của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… cần bảo đảm sự kết nối các trình tự thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong đề xuất, triển khai và thực hiện dự án, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng. Có ý kiến lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở cần bảo đảm tháo gỡ được các vướng mắc thực tế hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, phòng ngừa việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cũng tại phiên họp toàn thể, Ủy ban Pháp luật đã cho ý kiến đề xuất của Chính phủ về việc thí điểm tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Đa số các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, nhằm cụ thể hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về thực hiện các biện pháp giúp đỡ phạm nhân tái hòa nhập ngay trong quá trình chấp hành án, đồng thời thực hiện có hiệu quả các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị, để đáp ứng điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, cơ quan soạn thảo cần làm rõ tính tương thích của dự thảo Nghị quyết với các quy định của pháp luật về lao động, các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên; đánh giá tác động đầy đủ hơn về nguồn lực dự kiến để thực hiện thí điểm mô hình này. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ phạm vi, thời gian thực hiện thí điểm, nhất là về biên chế, tổ chức bộ máy, kinh phí tổ chức thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước…

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể xem xét thông qua các đề án, quy chế làm việc và kế hoạch công tác của Ủy ban

Chiều cùng ngày, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xem xét thông qua Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Pháp luật và thông qua Quy chế làm việc của Ủy ban Pháp luật (sửa đổi), Kế hoạch công tác năm 2022 của Ủy ban Pháp luật./.

Bảo Yến