THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

08/09/2020

Chiều 07/09, dưới sự chủ trì của Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phiên họp thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh mở rộng đã tiến hành thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Bảo đảm trật tự, An toàn giao thông đường bộ.

 

Toàn cảnh phiên họp

Theo tờ trình Chính phủ, việc xây dựng Luật Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đáp ứng yêu cầu cơ sở chính trị, pháp lý đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thôngtrong tình hình mới. Từ cơ sở thực tiễn, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật). Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật, do đó cần phải tách bạch, xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông. Cùng với đó, kinh nghiệm các nước đều có luật chuyên biệt trong 2 lĩnh vực này, phù hợp với xu hướng xây dựng Luật của Việt Nam chuyên sâu hóa điều chỉnh 1 lĩnh vực.

Dự án Luật có 6 chính sách, trong đó  quy định về điểm của giấy phép lái xe (12 điểm trong 12 tháng), giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, sau thời hạn 6 tháng nếu người lái xe có nhu cầu, phải sát hạch lại. Nếu GPLX còn điểm thì được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp. Bên cạnh đó, Chính phủ thống nhất dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng dự thảo Luật quy định về điểm giấy phép lái xe là một trong những điểm mới, nhưng một số vấn đề cơ bản về điểm giấy phép lái xe chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Luật và Tờ trình. Về nội dung quản lý đào tạo, sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe, đa số Thường trực Ủy ban nhất trí với phương án Chính phủ đã thống nhất và giao Bộ Công an quản lý nhà nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo. Đa số các ý kiến Thường trực Ủy ban cũng tán thành với sự cần thiết ban hành luật; thời điểm trình Quốc hội cho ý kiến là tại kỳ họp thứ 10 cùng với thời điểm của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cần tiếp tục rà soát phạm vi, nội dung điều chỉnh của 2 dự thảo Luật, không để chồng chéo, trùng lặp; phân định rõ ràng hơn trách nhiệm quản lý nhà nước và tránh nhiệm thực thi của các cơ quan, lực lượng chức năng.

Cho ý kiến về dự án Luật, nhiều đại biểu tán thành với quan điểm của Chính phủ là vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an quản lý và quy định trong dự thảo Luật này. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần làm rõ hơn cơ sở của đề xuất này trong báo cáo đánh giá tác động cũng như thuyết minh xây dựng Dự án Luật.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, qua hơn 20 năm thực hiện công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe, về cơ bản Bộ Giao thông vận tải đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên thời điểm tới để có thể quản lý một cách “mạnh mẽ” hơn những nội dung này, Bộ Giao thông thống nhất chuyển giao Bộ Công an quản lý.

Nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Luật, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết hiện tại nhiều quốc gia cũng có luật chuyên biệt về trật tự, an toàn giao thông. Từ năm 1995 đến nay, chất lượng sát hạch giấy phép lái xe cũng có tiến bộ. Chính phủ đã thống nhất phương án chuyển vấn đề quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Cũng tại buổi thẩm tra sơ bộ, các đại biểu đã cho ý kiến về quy định trừ điểm giấy phép lái xe; hình thức phát hiện vi phạm trật tự an toàn giao thông; đồng thời bày tỏ đồng tình cần thiết xây dựng, ban hành Luật để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp

Nêu quan điểm là cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự, An toàn giao thông đường bộ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị cần thuyết trình rõ hơn vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết các đại biểu thống nhất cần thiết xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là cơ sở để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đưa dự án Luật vào Chương trình họp thứ X để xin ý kiến Quốc hội. Tuy nhiên, cần đặt Luật này trong mối quan hệ tổng thể xem xét, cho ý kiến cùng với Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về xây dựng 2 Luật nêu trên, đặc biệt Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất về phạm vi điều chỉnh, trong đó có vấn đề quản lý, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội, đánh giá hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, về phạm vi điều chỉnh, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các mối quan hệ của 2 luật để tránh trùng lắp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các quy định mới như: đấu giá biển số xe, trừ điểm bằng lá xe để giảm thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người dân./.

Khắc Phục