Toàn cảnh cuộc toạ đàm
Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì Tọa đàm. Buổi tọa đàm có sự tham gia của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động, đại diện Ban soạn thảo dự thảo Luật Cảnh sát cơ động; đại diện một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ gắn bó mật thiết với chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động; có nhiều hoạt động thực tiễn trong việc phối hợp với Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ và một số chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy và tổ chức hoạt động thực tiễn trong lực lượng vũ trang nhân dân và lĩnh vực lập pháp.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10 năm 2021). Tại kỳ họp, đã có 299 đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban đã chủ trì tổ chức nhiều cuộc họp tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về cơ bản sau khi chỉnh lý, các quy định trong dự thảo Luật đã đáp ứng yêu cầu của đại biểu Quốc hội, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình, đánh giá cao. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu, làm rõ và tiếp tục chỉnh lý một số nội dung của dự thảo Luật.
Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu khai mạc
Với tinh thần cầu thị, lắng nghe và mong muốn nhận được nhiều ý kiến quý báu tham gia đóng góp của quý vị đại biểu, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh trân trọng đề nghị các đại biểu tích cực thảo luận, phát biểu, tham gia ý kiến về những nội dung trọng tâm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm; làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và nhất là kiến nghị cụ thể nội dung quy định trong dự thảo Luật để Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu, tiếp thu.
Tại cuộc Tọa đàm, các tướng lĩnh, chuyên gia, nhà khoa học đã qua tập trung góp ý về: Giải thích từ ngữ trong dự thảo để làm rõ nội hàm các khái niệm như “Biện pháp vũ trang”, “sử dụng biện pháp vũ trang”.Các đại biểu cũng cho ý kiến về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động, trong đó dự thảo quy định CSCĐ là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc Công an nhân dân Viêt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Các đại biểu phát biểu ý kiến
Một số nội dung khác như: nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động; Điều động Cảnh sát cơ động; Huy động người, phương tiện, thiết bị; Vào trụ sở, nơi ở của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động cũng được các chuyên gia góp ý vào dự thảo luật để các quy định bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với pháp luật có liên quan, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính khả thi, đúng quy định, góp phần xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao sự chuẩn bị, phối hợp của Ủy ban Quốc phòng và An ninh với Cơ quan soạn thảo của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động để tổ chức Tọa đàm. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao các ý kiến phát biểu rất tâm huyết trách nhiệm, có nhiều thông tin và giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn để Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thống nhất nhận thức, đây là dự án luật tổ chức một lực lượng chuyên ngành cụ thể, phạm vi cũng rất cụ thể. Vì vậy, trong xây dựng dự thảo Luật cần lưu ý, phải có giới hạn, phải cụ thể hóa Hiến pháp, pháp luật và những văn bản luật gốc đã quy định. Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, cần tiếp tục quán triệt chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và hoạt động của lực lượng vũ trang cách mạng, vận dụng nhuần nhuyễn với tư duy biện chứng và phương pháp biện chứng giữa cái toàn diện và cụ thể. Luật phải đảm bảo yêu cầu thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới là tránh tình trạng luật khung, luật ống.
“Cái gì đã rõ, đã chín, cụ thể được thì quy định cụ thể ngay trong luật. Đây là một luật rất cụ thể trong một lĩnh vực cụ thể thì quy định cụ thể càng có ý nghĩa”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng cần phải tính toán kỹ lưỡng để quy định theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện, nhất là các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn trong dự thảo Luật. Đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với Ban soạn tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát, chắt lọc, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý tại Tọa đàm, gửi xin ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi trình ra Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao nhất.
Thay mặt Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp ý kiến rất sâu sắc, có hàm lượng khoa học và tính thực tiễn cao của các đồng chí. Khẳng định, đây là cơ sở quan trọng, rất có giá trị, giúp Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu, phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Sau buổi Tọa đàm hôm nay, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tổng hợp nội dung, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các để chỉnh lý dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, tham gia của các đồng chí trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, nhất là nhiệm vụ tham mưu, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh./.