UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

14/08/2024

Sáng 14/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ QUY HOẠCH NÔNG THÔN

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 

Rà soát nội dung dự thảo Luật để tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về phạm vi điều chỉnh của Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật với các quy định của pháp luật hiện hành cũng như các Luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7; nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh các nội dung liên quan tại dự thảo Luật bảo đảm bao quát, tương thích giữa quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh với các nội dung quy định của dự thảo Luật.

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng bổ sung các quy định cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng PCCC và CNCH của cộng đồng thông qua các nội dung quy định về chính sách của Nhà nước (Điều 4); quy định trách nhiệm tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH (Điều 8) và quy định trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các cấp (Điều 56), cũng như đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các điều luật cụ thể có liên quan tại dự thảo Luật.

Về chính sách của Nhà nước về PCCC và CNCH (Điều 4), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý các quy định về chính sách bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng trong lĩnh vực PCCC và CNCH, sát với yêu cầu thực tiễn; đồng thời thu hút các chính sách đặc thù tại các quy định cụ thể của các chương, điều trong dự thảo Luật và thể hiện lại rõ ràng hơn tại Điều 4 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Về trách nhiệm PCCC và CNCH (Điều 6), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động PCCC, CNCH, bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chủ phương tiện giao thông; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình, sản xuất, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông; chủ hộ gia đình, cá nhân và các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở và thể hiện cụ thể tại các khoản tương ứng của Điều 7 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh

Về phòng cháy đối với nhà ở (Điều 17), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cu, trung tâm đô thị lớn. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành 02 điều, Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với hai loại hình này tại dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật PCCC và CNCH.

Về phòng cháy trong sử dụng, cung ứng điện; bảo đảm chất lượng đối với thiết bị điện (Điều 20), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, Luật Điện lực hiện hành đã quy định cụ thể, bao quát các yêu cầu về an toàn (trong đó bao gồm cả yêu cầu an toàn về PCCC) trong việc sản xuất, truyền tải, phân phối, mua bán, sử dụng, trang thiết bị điện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc chấp hành các quy định của pháp luật về điện lực, nhất là trách nhiệm cụ thể của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong sử dụng, lắp đặt, kiểm soát an toàn điện sau công tơ còn hạn chế, dẫn đến việc chấp hành chưa nghiêm, kéo theo nguy cơ cháy, nổ do điện. Những nội dung này cần phải được điều chỉnh một cách tổng thể trong dự thảo Luật Điện lực dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện an toàn nói chung, điều kiện an toàn PCCC nói riêng vào dự thảo Luật Điện lực để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh  cho rằng, dự thảo Luật PCCC và CNCH quy định về các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy cơ bản trong việc lắp đặt, sử dụng điện là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Về nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt động PCCC và CNCH (Chương VII), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo bổ sung quy định chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tại Điều 4 về chính sách của nhà nước, Điều 42 về nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý; về trang bị phương tiện PCCC, CNCH cho lượng Cảnh sát PCCC và CNCH được chi từ ngân sách nhà nước thực hiện từ cấp trung ương đến địa phương tại Điều 51 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Để bảo đảm tính tiết kiệm, mua sắm có hiệu quả từ ngân sách nhà nước, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép chỉ quy định chung về trang bị phương tiện PCCC như trong dự thảo Luật, việc chi cụ thể thuộc trách nhiệm của các Bộ, UBND.

Bên cạnh đó, Thường trực UBQPAN đã phối hợp với cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cụ thể để ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ về PCCC và CNCH tại Điều 52, 53 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Bổ sung quy định về chế độ cho người được huy động, tham gia chữa cháy, CNCH tại Điều 47 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, trong đó đã bao gồm chế độ, chính sách cho cá nhân tham gia hoạt động tình nguyện PCCC, CNCH…

Trọng Quỳnh